Các HTX sản xuất xanh, dịch vụ môi trường đã tạo ra công ăn việc làm, đảm bảo đời sống cho hàng chục nghìn lao động, góp phần vào chiến lược quốc gia về xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.
Sản xuất xanh giúp giảm nghèo
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, cùng với việc triển khai thực hiện các giải pháp hữu hiệu để giúp người dân địa phương tiến tới thoát nghèo bền vững, các địa phương trong tỉnh Quảng Nam cũng đang tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở, triển khai các mô hình bảo vệ môi trường gắn với giảm nghèo bền vững.
HTX gắn với sản xuất xanh, ý thức BVMT của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. |
HTX Nông dược xanh Tiên Phước, xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước là một trong những điển hình về HTX kiểu mới, chú trọng ứng dụng công nghệ vào sản xuất xanh thân thiện với môi trường, tạo chuỗi sản phẩm tinh dầu từ các loại dược liệu bản địa như quế, sả và tạo nhiều dòng sản phẩm tinh dầu từ bưởi, cây mần trầu, hương nhu, nghệ, chanh… vốn có nhiều ở vùng quê Tiên Phước nói riêng và xứ Quảng nói chung.
Theo ông Võ Duy Ân, giám đốc HTX, nhận thấy việc chiết xuất tinh dầu ở Quảng Nam còn thô sơ, lạc hậu, khó đáp ứng được năng lực cạnh tranh, ông và các thành viên HTX đã lặn lội ra tận miền Bắc để lựa chọn dây chuyền công nghệ chiết xuất tinh dầu, giúp HTX có thể tận thu được tinh dầu quế, sả. Cho phép lấy tinh dầu ở các giai đoạn khác nhau để tạo ra được nhiều loại sản phẩm từ cao cấp tới bình dân.
Tinh dầu cao cấp tạo ra nước hoa, tinh dầu cao cấp cung ứng cho chuỗi khách sạn, villa, các cơ sở massage, xông hơi trị liệu, tinh dầu tận thu tạo ra các loại nước lau sàn, nước xịt phòng tắm, nhà vệ sinh, nước rửa chén, nước tẩy trang, nước khử mùi…
“Từ máy móc, công nghệ nhập về, tôi bắt đầu nghiên cứu cách cải tiến lại bằng cách tra vào các bộ phận thu tinh dầu có thể lấy tinh dầu ở các giai đoạn theo ý đồ của mình, tùy theo mức độ đặc hay loãng của tinh dầu. Nhờ việc cải tiến sản xuất mà HTX vẫn sống được, sản phẩm bán ra nhiều” - ông Võ Duy Ân nói.
Bên cạnh đó, HTX đã bỏ hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống chứa nước có dung tích 60m3 để làm mát hệ thống máy móc nấu tinh dầu, giúp cho công đoạn nấu tinh dầu được tiện lợi, xuyên suốt. HTX còn chủ động tạo “không gian xanh” với quầy trưng bày sản phẩm đẹp mắt, thân thiện với môi trường và phòng trưng bày nằm trên không gian của hồ chứa nước làm mát máy, tạo cảnh quan hài hòa.
Ông Phùng Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước đánh giá, hiện nay, các HTX trên địa bàn huyện đang từng bước trở thành nhân tố tích cực tham gia vào phát triển kinh tế xanh. Nhiều HTX đã đạt hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, chuyển giao nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
“Nhiều HTX trên địa bàn đã chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh theo hướng bảo vệ môi trường, đồng thời tích cực trong tạo việc làm, ổn định sinh kế cho thành viên, đóng góp có hiệu quả vào tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện”. ông Phùng Tiến Huy cho hay.
HTX góp phần tăng thu nhập cho người dân
Được biết, Tiên Phước có diện tích trồng cau khá lớn, hằng năm người dân thu hàng tỷ đồng từ bán quả cau tươi, nhưng chưa ai thu lợi từ việc bán mo cau. HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước đi vào hoạt động đã tận dụng thu mua mo cau, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Nhiều HTX đã áp dụng công nghệ vào sản xuất, bảo vệ môi trường, gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững. |
Chi Phan Vũ Hoài Vui, giám đốc HTX chia sẻ, HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam được thành lập với 7 thành viên, vốn điều lệ ban đầu 2 tỷ đồng. Ngành nghề chính sản xuất sử dụng nguyên vật liệu từ mo cau, lá cây để chế tạo ra chén, dĩa, muỗng, tô, ly…
HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam là đơn vị đầu tiên của Quảng Nam sản xuất các sản phẩm từ mo cau. Đây là một trong những sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên. Quá trình khai thác nguyên liệu và chế biến không sử dụng bất cứ loại hóa chất hoặc các tác nhân sinh học khác.
Mo cau được thu hoạch từ những lá cau già tự rụng, sau đó được ngâm nước cho mềm rồi rửa thật sạch. Tiếp tục đưa mo cau vào máy ép gia nhiệt, ép cắt trên khuôn để tạo thành các sản phẩm với nhiều hình dạng khác nhau, từ chén tròn, vuông, đĩa tròn, vuông đến khay, muỗng…
“Mo cau tự nhiên có lớp chống thấm gần như hoàn hảo. Sản phẩm từ mo cau có khả năng phân hủy hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên mà không sinh ra các hạt vi nhựa hoặc các chất vô cơ gây hại cho sức khỏe con người và môi trường thiên nhiên. Vì thế, các sản phẩm làm từ mo cau là cách để tôi kết nối với tự nhiên, qua từng cái chén, cái đĩa… làm từ mo cau để dùng hằng ngày” - chị Hoài Vui nói.
Hiện nay, HTX đã tạo việc làm cho từ 80 đến 100 lao động với mức thu nhập bình quân dao động từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Các lao động đa dạng độ tuổi, có những lao động gia đình hoàn cảnh khó khăn, là hộ nghèo, cận nghèo, những người khuyết tật, quá tuổi lao động, sức khỏe yếu, phụ nữ có con nhỏ từ khắp các địa phương trong huyện. Nhiều lao động được HTX đào tạo nghề miễn phí đồng thời tạo điều kiện để mang nguyên liệu về làm tại nhà đối với các lao động có nhu cầu. Qua quá trình lao động, sản xuất ra các sản phẩm tạo ra từ mo cau thân thiện với môi trường.
“HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam không chỉ áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất bảo vệ môi trường mà còn tạo việc làm cho lao động tại địa phương hướng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững”, ông Phùng Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước đánh giá.
Kim Yến