Ở Vĩnh Long, phụ nữ tham gia quản lý mô hình kinh tế tập thể đã tăng lên từng năm. Nếu như năm 2014, toàn tỉnh mới có 8 HTX do phụ nữ quản lý thì đến nay đã tăng lên hàng chục HTX, tổ hợp tác. Tiêu biểu như HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Hiệp, HTX tiểu thủ công nghiệp Thiên Tân, quỹ tín dụng nhân dân Bình Tân, HTX thủ công mỹ nghệ Hòa Lộc…
Nâng thu nhập, thoát nghèo
Bà Phạm Thị Tơ, Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng (xã Bình Ninh) cho biết từ khi thành lập vào năm 2014, HTX có 60 thành viên nữ thì đến 16 thành viên là hộ nghèo.
Nhờ cùng nhau sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình, HTX Quyết Thắng ngày càng phát triển, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Từ con số ban đầu chỉ có mấy chục người, giờ đây, HTX thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 500 lao động và chủ yếu là lao động nữ tại địa phương. 16 thành viên là hộ nghèo tại xã giờ cũng có cuộc sống và thu nhập ổn định từ chính đôi bàn tay của mình.
Đánh giá của chính quyền địa phương cho thấy, không chỉ đánh thức tiềm năng thế mạnh của địa phương, mô hình HTX do bà Phạm Thị Tơ quản lý còn góp phần giảm nghèo, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Hướng đi đúng của HTX đã tạo động lực lớn cho phong trào phát triển kinh tế tập thể ở các địa phương, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho phụ nữ và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới.
Các HTX thủ công mỹ nghệ ở Vĩnh Long đang tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho phụ nữ địa phương. |
Tương tự như HTX Quyết Thắng, HTX tiểu thủ công nghiệp Hòa Lộc (xã Hòa Lộc) cũng đang là địa chỉ tin cậy cho những lao động có khát khao thoát nghèo, làm giàu. HTX hiện sản xuất khoảng 200 sản phẩm thủ công mỹ nghệ các loại, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động với mức lương từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.
Thực tế cho thấy không phải người nào đi tìm kế sinh nhai cũng thành công. Trong khi không ít phụ nữ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long bị đổ vỡ hôn nhân, thiếu hiểu biết nên bị người sử dụng lao động lừa gạt, bóc lột khi đi lao động xa.
Trước thực trạng trên, giải pháp phù hợp hơn trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo là làm giàu trên quê hương bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, biến sản xuất nông nghiệp thành sản xuất hàng hóa.
Để hiện thực hóa được điều này, chỉ có thành lập, tham gia các HTX, tổ hợp tác thì mới phát triển được các nghề ở nông thôn, hạn chế tình trạng tư thương ép giá. Mô hình kinh tế tập thể cũng tạo sự liên kết giữa những người nông dân với nhau thành một khối thống nhất, làm cơ sở cho việc liên kết với doanh nghiệp từ đầu vào và đầu ra, từ đó giảm tối đa chi phí trong sản xuất kinh doanh.
Vì vậy mà thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế tập thể, đồng thời tập huấn nâng cao kiến thức cho các thành viên và triển khai Luật HTX năm 2012 cũng như các văn bản pháp quy về kinh tế tập thể đến với phụ nữ.
Thực thế cũng cho thấy, phụ nữ rất năng động, sáng tạo trong việc quản lý điều hành. Các tổ hợp tác và HTX sản xuất, kinh doanh do phụ nữ quản lý đều hoạt động hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên và người lao động với mức thu nhập từ 3 triệu đồng/tháng trở lên.
Như việc phát triển ngành nghề cung cấp nguyên liệu và sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từ lục bình, cói lác, dây nhựa… HTX Liên Minh Ngãi Tứ (xã Ngãi Tứ) đã giúp giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình cho hàng chục thành viên là phụ nữ địa phương.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Vĩnh Long, việc thành lập HTX, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý bước đầu đã thay đổi nhận thức, tư duy và thói quen sản xuất nhỏ lẻ của hội viên, phụ nữ; tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên để trao đổi kinh nghiệm và hợp tác liên kết phát triển sản xuất, tiếp cận với các tiến bộ khoa học - kỹ thuật.
Có những HTX, tổ hợp tác tuy vốn điều lệ còn ít nhưng Ban Giám đốc và các thành viên đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, địa phương để nâng cao thu nhập.
Mô hình kinh tế tập thể cũng được đánh giá là phù hợp để phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, tăng thu nhập góp phần giảm nghèo bền vững. Qua đó phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế hợp tác, nòng cốt là HTX.
Thay đổi nhận thức để phát triển HTX
Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, thực hiện rà soát điều tra hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, kết quả toàn tỉnh có 5.875 hộ nghèo (1,97%); 10.874 hộ cận nghèo (3,62%). Năm 2021, nhờ có các mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo là 0,53%. Kế hoạch năm 2022 là tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,41% nhờ phát triển kinh tế hàng hóa thông qua các HTX, tổ hợp tác.
Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và phát triển các HTX có thể thấy, vẫn còn không ít thành viên, phụ nữ hiểu mơ hồ về kinh tế tập thể và vấn đề kinh tế thị trường nên chưa thấy được vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, gia đình để chủ động khai thác các tiềm năng, lợi thế gia đình, địa phương để phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập.
Bà Phạm Thị Tơ cho biết vẫn còn thành viên, lao động phụ nữ chưa nhận ra quy luật cung - cầu của thị trường và không mấy thiện cảm với thương lái vì cho là giá cả thị trường là do thương lái quyết định mà chưa ghi nhận vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, thương lái trong phát triển kinh tế tập thể.
Ông Nguyễn Văn Hoặc, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long, cho rằng do tính ràng buộc pháp lý từ bên trong mô hình sản xuất còn thấp (nhất là trong nông nghiệp) nên mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp lỏng lẻo. Và vì lợi ích trước mắt nên vẫn còn trường hợp người dân, trong đó có hộ gia đình là phụ nữ tự bán sản phẩm ra bên ngoài để được giá cao. Điều này còn do kiến thức, năng lực quản lý, điều hành của cán bộ ở các tổ hợp tác, HTX còn hạn chế.
Trước những khó khăn trên, các cấp quản lý ở Vĩnh Long đã nhận ra rằng việc vận động phụ nữ tham gia kinh tế tập thể là một quá trình từ việc thay đổi nhận thức, thói quen đến hành vi nên đòi hỏi phải có thời gian và bước đi chặt chẽ, hợp lý, không thể nóng vội.
Để thay đổi từ nhận thức đến hành động, cần có sự tham gia liên kết của các ngành, cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có sự gắn kết các chính sách hỗ trợ, tín dụng ưu đãi; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tham gia quản trị tổ hợp tác, HTX nhằm giúp mô hình này từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Hoặc, để phát triển hiệu quả mô hình HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ và thu hút thêm nhiều phụ nữ tham gia kinh tế tập thể, việc xây dựng mô hình phải được thực hiện từng bước, theo phương châm từ thấp đến cao, từ việc thực hiện các tổ hợp tác đến việc liên kết tiêu thụ, liên kết đầu vào – đầu ra cho sản phẩm hoặc hình thành các dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Khi năng lực tổ hợp tác đủ mạnh, trình độ sản xuất của các thành viên có bước tiến bộ và cơ bản ổn định sẽ tiến hành thành lập HTX sẽ giúp HTX hoạt động hiệu quả hơn. Qua đó, năng lực và tri thức của cán bộ và thành viên về mô hình kinh tế tập thể cũng được bồi dưỡng và nâng cao theo thời gian.
Hiền Nhi