Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể giai đoạn mới đã chỉ rõ “Đánh giá về hiệu quả và đóng góp của kinh tế tập thể trong nền kinh tế chưa đầy đủ dẫn đến hạ thấp vai trò, vị trí của thành phần kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân”.
Chưa tính phần hỗ trợ cho kinh tế hộ
Cụ thể là theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2013-2021, đóng góp của khu vực kinh tế HTX (chỉ gồm HTX, liên hiệp HTX, không bao gồm cá nhân, gia đình, tổ hợp tác) vào GDP của cả nước trung bình 3,84%/năm. Tốc độ đóng góp của khu vực kinh tế HTX vào GDP có xu hướng giảm từ 4,03% năm 2013 xuống còn 3,62% năm 2021 và liên tục giảm trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Tuy nhiên ông Lê Minh Khánh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang cho rằng, khu vực kinh tế tập thể không chỉ góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thu nhập cho từng thành viên. Và mục tiêu sâu xa của phát triển kinh tế tập thể chính là phát triển kinh tế hộ gia đình, cá thể.
Nhưng, cách tính đóng góp của khu vực kinh tế HTX vào GDP hiện nay của Tổng cục Thống kê lại không tính phần đóng góp của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình. Trong khi đó, số lượng thành viên là cá nhân, hộ gia đình lại đang chiếm đến 99% tổng số thành viên HTX và tương đương với 31% tổng số hộ cá thể, cá nhân của cả nước. Và GDP khu vực kinh tế cá thể, tư nhân hiện cũng đang chiếm tỷ lệ rất lớn, khoảng 40% GDP của cả nước.
Cần cách tính đúng, tính đủ để thấy rõ được vai trò của kinh tế hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân. |
Không dừng lại ở đó, một thành phần quan trọng của kinh tế HTX đó chính là tổ hợp tác. Theo thống kê, đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 120.000 tổ hợp tác, thành lập trên cơ sở nhu cầu tự nguyện, hướng đến mục đích hỗ trợ nhau khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh. Và mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, HTX của Chính phủ đến năm 2025 là bên cạnh phát triển các HTX, liên hiệp HTX thì còn phấn đấu cả nước có khoảng 134.000 tổ hợp tác với 1,8 triệu thành viên tham gia. Tuy nhiên, trong cách tính hiện nay, Tổng cục Thống kê cũng bỏ quên loại hình kinh tế tập thể này.
Một điều đáng quan tâm là theo Luật HTX năm 2012, thành viên HTX bao gồm: cá nhân và tổ chức tham gia góp vốn. Thực hiện theo Luật HTX năm 2012, hiện nay, ngoài cá nhân thì còn có doanh nghiệp tham gia vào HTX với tư cách thành viên liên kết ngày càng nhiều.
Tiêu biểu như Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Tập đoàn Lộc Trời… đang là thành viên liên kết với hàng trăm HTX trên cả nước nhằm hình thành các chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Vậy nhưng, hiệu quả kinh tế của HTX mang lại cho doanh nghiệp là thành viên HTX hiện cũng chưa được tính toán vào cho khu vực kinh tế tập thể.
Cách làm như trên dẫn tới kết quả chưa tính đúng, tính đủ về đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP của cả nước. Trước thực tế này, ông Lê Minh Khánh cho rằng, khi nói đến kinh tế tập thể thì phải kể đến HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá thể và cả doanh nghiệp là thành viên liên kết. Điều này cũng được quy định đầy đủ trong Luật HTX năm 2012.
HTX không chỉ đóng góp về kinh tế mà có vai trò rất lớn trong an sinh xã hội, giá trị cộng đồng, giữ gìn an ninh biển đảo (HTX nghề cá, HTX nghề muối,...). Giá trị đó ai cũng thấy nhưng rất khó để lượng hoá.
“Vì vậy, cần phải tính toán cả phần đóng góp “gián tiếp” của cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tham gia khu vực kinh tế tập thể thì mới thể hiện rõ sự đóng góp của khu vực kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang nói.
Cần tính đúng, tính đủ
Theo TS Ninh Đức Hùng, chuyên gia HTX, cách tính hiện nay của Tổng cục Thống kê chỉ “đả động” đến đóng góp kinh tế của chung HTX trong GDP là chưa đầy đủ. Trong khi xét về vai trò, bản chất thì kinh tế tập thể đang đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế thành viên thông qua việc tạo việc làm, hỗ trợ các khâu đầu vào, đầu ra, từ đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo.
“Chính vì vậy, cần bổ sung thêm tiêu chí đóng góp về tác động xã hội trong việc xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại các địa phương thì mới thấy hết được đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP”, ông Hùng nói.
Thực tế phát triển HTX trên thế giới cho thấy, đóng góp của khu vực này vào GDP là không hề nhỏ, đạt từ 13 -15%. Tiêu biểu như Hà Lan, khu vực HTX đang đóng góp 18% vào GDP, Thái Lan khoảng 13%, Hoa Kỳ là khoảng 25%, Đức là 35%.
Có thể nói, cách tính của Tổng cục Thống kê hiện nay khiến nhiều địa phương hiểu sai về vai trò của khu vực kinh tế tập thể vào nền kinh tế địa phương, nên cấp ủy, chính quyền địa phương coi nhẹ thành phần kinh tế tập thể vì cho rằng khu vực này không đáng được quan tâm. Điều đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, doanh nghiệp thành viên liên kết.
“Cách tính hiện nay là đang đi ngược với tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; không đúng với Luật HTX năm 2012 và không phù hợp với kinh nghiệm phát triển HTX của các nước trong 200 năm qua. Thực tế này đã hạ thấp vị thế của kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị chia sẻ.
Chính vì vậy, để tạo nên sự thành công, công bằng và khẳng định được đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào nền kinh tế quốc dân, rất cần các cơ quan quản lý ban hành các chỉ tiêu thống kê về đóng góp của khu vực kinh tế tập thể một cách đúng, đủ, bảo đảm theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Huyền Trang