Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 trên phạm vi toàn quốc, có 6 tỉnh, thành phố không có hộ nghèo gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh. Đặc biệt, Bình Dương từ một tỉnh thuần nông gặp nhiều khó khăn đã lọt vào top 4 tỉnh trên cả nước “trắng” cả hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Nâng cao đời sống
Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, nhờ đẩy mạnh thực hiện tốt nông thôn mới, trong đó có tiêu chí phát triển mô hình HTX kiểu mới nên tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từng bước xuống thấp và hiện không còn. Điều này là nhờ tỉnh đã coi trọng phát triển nông nghiệp, trong đó lấy HTX làm nòng cốt thúc đẩy loại hình kinh tế này.
Tại huyện Bắc Tân Uyên, qua rà soát, đến cuối năm 2019, huyện còn 203 hộ nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều của tỉnh, chiếm tỷ lệ 1,57% và 139 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,08%. Để giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, huyện đã kết hợp với tỉnh đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tập thể tại các xã.
Tiêu biểu như tại xã Hiếu Liêm luôn nỗ lực tuyên truyền vận động nông dân tập hợp, liên kết để phát triển mô hình kinh tế tập thể. Hiện xã có 2 HTX (HTX nông nghiệp Nhân Đức và HTX dịch vụ tổng hợp Ngọc Quang Thanh). Từ khi thành lập đến nay, hai HTX đã cùng chính quyền xã triển khai thực hiện công tác quy hoạch, phân vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho các hộ tổ chức sản xuất bảo đảm quy hoạch.
Đồng thời, HTX chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác ngày càng tăng cao, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Nhờ hoạt động hiệu quả, hàng năm mỗi HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động tại địa phương, tạo ra thu nhập hàng tỷ đồng cho thành viên, người lao động.
Mô hình HTX phát triển thế mạnh địa phương từ nông nghiệp giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. |
Ông Trần Thành Có, Giám đốc HTX Nhân Đức cho biết HTX có tổng diện tích trồng cây có múi 80 ha. Hằng năm, HTX tạo việc làm thường xuyên cho 35 - 50 nhân công tại địa phương, tất cả các thành viên của HTX thống nhất phát triển sản xuất trồng cây ăn trái hữu cơ.
Nhờ đó, năng suất bình quân từ vườn cây của HTX đã nâng lên 50 tấn/ha, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho các thành viên. Tổng doanh thu của HTX đạt trên 30 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, HTX trồng thí điểm 26 ha mít Thái, đang phát triển xanh tốt, cho thu hoạch khả quan.
Còn ông Nguyễn Thành Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ tổng hợp Ngọc Quang Thanh, cho biết trung bình mỗi ngày HTX cung cấp 5 - 10 tấn trái cây ra thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên, đồng thời giúp thành viên, người dân yên tâm chuyên canh, chăm sóc vườn cây.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của HTX Ngọc Quang Thanh, ông Huỳnh Tấn Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bắc Tân Uyên, cho biết việc thành lập mô hình HTX đã thể hiện được vai trò “hạt nhân” trong việc thúc đẩy liên kết, sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên và nông dân. Chính vì vậy, huyện luôn chú trọng phát triển mô hình kinh tế này.
Hay như huyện Dầu Tiếng vốn có thế mạnh về nông nghiệp. Nắm bắt được vai trò của mô hình kinh tế tập thể, huyện đã phát triển 14 HTX nông nghiệp với 124 thành viên, tổng doanh thu đạt gần 14 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 2,7 tỷ đồng.
Các HTX nông nghiệp như HTX Minh Hòa Phát, HTX Tâm Phát (xã Minh Hòa)... hoạt động ổn định nhờ đã chuyển đổi, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng chủng loại cây trồng, cung ứng cây con giống, vật tư nông nghiệp cho người dân. Nhờ đó, hoạt động của các HTX đóng góp tích cực cho việc thực hiện tiêu chí giảm nghèo, nâng cao thu nhập.
Cho cần câu hơn cho con cá
Có thể nói, yếu tố then chốt quyết định đến hiệu quả, chất lượng của công tác giảm nghèo được Bình Dương chú trọng là tạo sinh kế lâu dài cho người nghèo, trong đó tỉnh chú trọng "cho cần câu thay vì cho cá".
Theo đó, nhiều mô hình kinh tế được triển khai có hiệu quả thông qua các HTX, tổ hợp tác tại các địa phương, từ đó giúp giải quyết việc làm tại chỗ cho hộ nghèo, giúp thành viên ứng dụng khoa học công nghệ, vay vốn, xúc tiến thương mại…
Từ năm 2016 đến nay, các huyện, thị xã trong tỉnh đã xây dựng 94 HTX, tổ hợp tác. Đưa số HTX trong tỉnh lên 212 HTX, trong đó lĩnh vực nông nghiệp dẫn đầu về số lượng với 68 HTX. Mô hình HTX nông nghiệp ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế địa phương.
Hiện, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả, nhiều tấm gương tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu trở thành những gương sản xuất kinh doanh giỏi, như: HTX cây ăn Quả Tân Mỹ, HTX Ổi Thanh Kiên, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long…
Ông Nguyễn Thanh Kiên, Giám đốc HTX HTX ổi Thanh Kiên cho biết HTX đã được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ hệ thống tưới tự động IOT cho 2 ha vườn ổi và phần mềm quản lý. Hiệu quả bước đầu giảm chi phí đầu vào của HTX từ 18-22%, góp phần tăng thu nhập cho thành viên và người lao động của HTX.
“Vào HTX, các thành viên được hỗ trợ kỹ năng sản xuất ổi, kinh phí tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn trong và ngoài nước; chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc; xây dựng một số trung tâm xúc tiến thương mại… nên tự tin phát triển sản xuất, mở rộng diện tích”, ông Kiên phân tích.
Chính vì vậy, để tiếp tục giúp người dân nâng cao đời sống, tránh tình trạng giảm nghèo thành công nhưng lại tái nghèo, thời gian tới, Bình Dương tiếp tục đổi mới nhận thức, cách làm, vận dụng linh hoạt các chính sách trong công tác giảm nghèo.
Đồng thời tập trung rà soát các mô hình sinh kế hiệu quả, triển khai nhân rộng chuyển giao cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khoa học công nghệ thông qua các HTX, tổ hợp tác nhằm tăng cường xã hội hóa trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Tùng Lâm