Nhiều địa phương đang phải lên tiếng cảnh báo việc người dân ồ ạt chuyển đổi diện tích cây trồng quá nhanh hoặc chưa phù hợp với quy hoạch, điều kiện thị trường dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch, khó tiêu thụ.
Điệp khúc chặt - trồng, trồng - chặt
Chẳng hạn như tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), hiện diện tích dừa đã là hơn 7.670 ha (tăng 735,2 ha so với năm 2021). Nguyên nhân là do quả thanh long khó tiêu thụ nên người dân chặt thanh long, chuyển sang trồng dừa.
Hay tại huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), những tháng đầu năm 2022, sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của người dân diễn ra quá nhanh so với quy hoạch. Trong đó, diện tích chuyển đổi từ đất lúa chủ yếu sang trồng cam sành nên tiềm ẩn nhiều rủi ro về đầu ra.
Theo Phòng NN&PTNT, diện tích vườn lâu năm toàn huyện hiện là trên 16.710ha, tăng gần 1.900ha so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cây cam sành đã chuyển đổi trên đất lúa đang chiếm 85% tổng diện tích cây lâu năm.
Nếu không có phương án sản xuất, kinh doanh thích hợp, đầu ra của những loại cây này sẽ không mấy sáng sủa và tình trạng “chặt - trồng, trồng - chặt” sẽ tái diễn. Khi đó, phần thiệt đầu tiên sẽ rơi vào người dân, thành viên HTX.
Diện tích trồng dừa tại huyện Chợ Gạo đang tăng nhanh trong thời gian gần đây. |
Và thực tế đã chứng minh việc chuyển đổi cây trồng nhanh quá mức như cây mít Thái, khoai lang tím… tại nhiều địa phương nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời mà tiếp tục để phát triển tự phát sẽ dồn đẩy nông dân vào thế khó khăn, diện tích cây trồng sẽ thay đổi liên tục.
Ông Sơn Văn Luận, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Ngọc (Vĩnh Long) cho biết trước đây, HTX có trên 200ha trồng khoai lang tím. Hai năm nay, đầu ra khó khăn do không xuất khẩu được sang Trung Quốc nên giá khoai xuống thấp, chỉ còn chưa đến 2.000 đồng/kg. Chính vì vậy, diện tích trồng khoai của HTX đã giảm dần và hiện chỉ còn... 2ha.
Hiện nay, nhiều HTX, địa phương thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trong đó lựa chọn cây gai xanh để thay thế những loại cây trồng cũ như ở Thanh Hóa, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... Tuy nhiên, theo các ngành chức năng để trồng được cây gai xanh và bảo đảm giá trị kinh tế, yêu cầu về các điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, giống, kỹ thuật trồng… rất chặt chẽ, đòi hỏi việc đầu tư phù hợp, đúng quy trình.
Cây gai xanh được trồng với mật độ 24.000 - 25.000 cây/ha. Sau khi trồng 90 đến 120 ngày là cho thu hoạch vụ đầu của năm thứ nhất thu hoạch với sản lượng 7,5 - 9 tấn vỏ tươi, thu nhập 15 đến 18 triệu đồng/ha/vụ. Thời gian sinh trưởng từ 55 đến 60 ngày là cho thu hoạch, sản lượng vụ 2 năm đầu đạt 13,5 - 17 tấn, tăng 40%, cho thu nhập 27 - 35 triệu đồng/ha/vụ. Từ vụ thứ ba, thứ tư của năm thứ hai trở đi, cây gai cho số lượng từ 15 cây trở lên/gốc, sản lượng đều đặn từ 20 đến 25 tấn vỏ tươi, cho thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/ha/vụ, và cây gai cho thu từ 4-5 vụ/năm.
Việc một bộ phận nông dân tự phát chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác là vì xuất phát từ thực tế do biến đổi khí hậu, đầu ra khó khăn nên khi chuyển đổi sang cây trồng khác đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo giới chuyên môn, hiện nay có thể một số loại cây trồng mang lại lợi nhuận cao nên người dân tự chuyển đổi và không báo cáo lên chính quyền địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Trong khi đó, đa số các loại cây trồng hiện nay đều phải cần thời gian ít nhất khoảng 1-2 năm mới cho thu hoạch, còn thị trường tiêu thụ của các loại cây trồng, đặc biệt là trái cây hiện chủ yếu xuất sang Trung Quốc - thị trường chứa đựng nhiều bất trắc, rủi ro. Vì vậy, khi thị trường này có vấn đề, nông dân, thành viên HTX không tìm được thị trường tiêu thụ thay thế kịp thời và chưa đầu tư được cho chế biến thì vừa tốn thời gian, vừa mất tiền của vì chuyển sang cây trồng khác.
Không để HTX "tự bơi"
Mặc dù đã và đang từng bước khẳng định được giá trị kinh tế ở một vài địa phương nhưng cây gai xanh vẫn là một cái tên khá mới mẻ, chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ khiến không ít người dân, HTX còn hoài nghi khi hướng đến sản xuất theo quy mô hàng hóa. Đi kèm với đó là những rủi ro tiềm ẩn về thị trường, biến đổi khí hậu, hay sự đứt gãy trong hợp đồng liên kết...
Qua tìm hiểu có thể thấy, tất cả các bộ phận của cây gai đều có thể mang lại lợi nhuận cho người trồng. Đối với vùng đất huyện Định Hoá, cây gai xanh rất phù hợp để phát triển theo hướng hàng hóa, vì loại cây này ưa đất đồi, soi bãi, đất ruộng một vụ... Và thực tế ở ở xã Bảo Linh và một số xã lân cận tại huyện Định Hóa (Thái Nguyên) đã trồng được khoảng 30 ha cây gai xanh, nhưng về kỹ thuật cơ bản chưa được cập nhật nên nếu phát triển ồ ạt trên quy mô lớn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thành viên HTX nông nghiệp Quế Linh (xã Bảo Linh, huyện Định Hoá, Thái Nguyên) nghe hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Tập đoàn An Phước về kỹ thuật tuốt vỏ cây gai xanh sau thu hoạch. |
Sáng 18/7/2022, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Tập đoàn An Phước tổ chức Lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cây gai xanh cho các thành viên HTX nông nghiệp Quế Linh (xã Bảo Linh, huyện Định Hoá) và các thành viên của một số HTX lân cận nhằm hình thành chuỗi giá trị hàng hóa gai xanh bền vững.
Ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc HTX Nông Nghiệp BTH (Sơn La) cho biết cây gai xanh được đánh giá là dễ chăm sóc, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm, trồng một lần nhưng thời gian khai thác từ 8 - 10 năm và sẽ mang lại thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với một số cây trồng khác.
Tuy nhiên, các HTX cũng cần thận trọng khi nhân rộng ra đại trà vì cây gai xanh cũng giống nhiều loại cây trồng khác đó là khi diện tích chuyển đổi nhỏ có thể đạt hiệu quả cao nhưng khi sản xuất đồng loạt trên diện tích lớn lại là cả vấn đề bởi khi đó rất dễ lây lan dịch bệnh, đầu ra dồn ứ.
Đặc biệt, nếu ồ ạt sản xuất trên diện tích lớn mà không xây dựng được mối liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi thì bài toán phát triển cây gai xanh rất dễ rơi vào vết xe đổ “trồng-chặt” như một số loại cây trồng khác đang vướng phải.
Từ thực tế của nhiều địa phương có thể thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là cần thiết nhưng phải chuyển đổi làm sao cho hợp lý, phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương. Khi chuyển đổi, ngoài sự tham gia của người dân, HTX thì cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc một cách chủ động để hướng dẫn, chứ không thể để người dân, HTX tự bơi trong quá trình chuyển đổi.
Để phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng quá trình chuyển đổi phải được đặt trên nền tảng của thị trường với sự gắn kết chặt chẽ, minh bạch và chia sẻ quyền lợi, nghĩa vụ giữa người dân-HTX-doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước và nhà khoa học.
Nếu quá trình chuyển đổi cây trồng chỉ xuất phát từ ý chí, từ lợi ích trước mắt thì sẽ rất dễ thất bại và phá vỡ quy hoạch. Thay vào đó, cần có quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và liên kết chặt chẽ nhằm bảo đảm bất kỳ cây trồng nào được chuyển đổi cũng có thể phát triển bền vững.
Chẳng hạn như tại Thái Nguyên, để quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất khi lựa chọn gai xanh là cây trồng chủ lực cho cho người dân, một số HTX ở huyện Định Hóa đã tích cực tham gia các khóa tập huấn do Liên minh HTX tỉnh tổ chức.
Qua những lớp tập huấn này, các thành viên HTX được nghe truyền đạt những kiến thức hữu ích về trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch cây gai xanh. Người dân, HTX cũng sẽ có kế hoạch cụ thể trong việc mở rộng diện tích nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường.
Bên cạnh đó, để chuyển đổi cây trồng một cách hiệu quả, các ngành chức năng cũng cần hỗ trợ người dân, HTX công tác dự báo thị trường, thông tin về diện tích cây trồng một cách cụ thể để người dân, HTX có kế hoạch sản xuất, chuyển đổi một cách phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.
Huyền Trang