Để tạo thuận lợi cho thanh niên được tiếp cận nguồn vốn vay, các cơ sở Đoàn rà soát, nắm bắt thực trạng các mô hình, nhu cầu vốn vay của tổ hợp tác, HTX, trang trại hiện có trong đoàn viên để có hình thức ưu tiên, hỗ trợ vốn kịp thời. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã giúp chục nghìn lượt đoàn viên trong tỉnh được vay vốn. Nhờ đó, nhiều thanh niên nông thôn có cơ hội khởi nghiệp, thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Hiệu quả từ đồng vốn hỗ trợ
Qua 5 trăm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã có sự nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, nhiều thanh niên nông thôn có cơ hội khởi nghiệp, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương (Ảnh: TL) |
Thông qua các chương trình tín dụng và chính sách an sinh xã hội, các cấp bộ đoàn đã góp phần cùng các cấp, các ngành của tỉnh Thanh Hóa thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững và các mục tiêu kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Lê Văn Trung, Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ban thường vụ các huyện, thị, thành Đoàn lồng ghép chương trình tín dụng chính sách với dạy nghề cho thanh niên nông thôn, mời cán bộ kỹ thuật cấp huyện, xã đến để giới thiệu kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho đoàn viên thanh niên, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đối với các hộ dân sau khi được vay vốn, nhằm trang bị kiến thức và kỹ thuật mới để người dân áp dụng vào quá trình sản xuất.
Kết quả nguồn vốn do Đoàn thanh niên quản lý tăng nhanh, tính đến 30/6/2020 đạt mức dư nợ 1.075,2 tỷ đồng (đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước), triển khai tại 26/27 huyện, thị, thành Đoàn cho 26.458 hộ đang vay vốn. Từ nguồn vốn này, các hộ thanh niên, HTX, tổ hợp tác đã tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho hơn 40.000 lao động tại địa phương.
Nhờ triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ vay vốn đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn từ 26,96% năm 2010 xuống còn 3,69% cuối năm 2019, bình quân giảm 2,58%/năm, thu nhập khu vực nông thôn tăng từ 8,9 triệu đồng năm 2010 lên 37,6 triệu đồng năm 2019.
Hình thành các mô hình hiệu quả
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình tiêu biểu do Đoàn thanh niên làm chủ sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, thu hút nhiều lao động, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Điển hình như Mô hình nuôi lợn cỏ sinh sản, lợn rừng thương phẩm, gà ri lai thương phẩm tại các huyện Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thiệu Hóa; mô hình nuôi cá lồng tại huyện Như Thanh; Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng các mô hình trồng cam V2, bưởi Diễn, mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò sinh sản cho các hộ dân Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng (Như Xuân); mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản tại xã Cán Khê (Như Thanh); mô hình sản xuất cà chua trái vụ theo hướng VietGAP của HTX Hoằng Hợp (Hoằng Hóa)...
Nhiều mô hình tiêu biểu do Đoàn thanh niên làm chủ hoạt động có hiệu quả, thu hút nhiều lao động, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương (Ảnh: TL) |
Nhằm đa dạng hóa và mở rộng, phát triển các mô hình kinh tế, bên cạnh các mô hình do thanh niên làm chủ, mô hình kinh tế hợp tác trong thanh niên cũng đang từng bước được xây dựng. Hiện, toàn tỉnh có 18 mô hình tổ hợp tác, HTX thanh niên trên các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và môi trường đang hoạt động hiệu quả, qua đó hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 220 lao động.
Nổi bật về HTX kiểu mới do thanh niên làm chủ, góp phần xoá đói giảm nghèo cho địa phương, tạo nhiều công ăn việc làm cho thanh niên là HTX thanh niên Hán - Sơn - Dương (huyện Lang Chánh). Với tinh thần của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, các thành viên HTX đã tập trung sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và phát triển kinh tế hộ theo mô hình trang trại.
Theo đó, các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi được HTX mua trực tiếp tại các đơn vị cung ứng có uy tín, giúp thành viên yên tâm về chất lượng sản phẩm, cam kết đầu ra để khi xuất bán không bị ép giá. Đến nay, tuy mới đi vào hoạt động được hơn 2 năm, trung bình mỗi trang trại nuôi từ 1.500 - 3.000 con gà thịt, mỗi lứa gà xuất bán cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng.
Có thể nói, các mô hình HTX thanh niên đang từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, HTX thanh niên cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất.
Để nâng cao hiệu quả việc triển khai, thực hiện tín dụng chính sách xã hội, theo ông Lê Văn Trung cần đẩy mạnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để triển khai hiệu quả các nguồn vốn, phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý nguồn vốn vay ủy thác, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cây trồng, vật nuôi, phương pháp xây dựng mô hình kinh tế, dự án cho cán bộ, đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh, nhất là thanh niên miền núi, nông thôn.
Minh Thành