Theo kế hoạch, Quảng Ngãi phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 98 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 13 xã vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; tiêu chí bình quân/xã đạt 16,5 tiêu chí; trong đó các xã vùng DTTS và miền núi là 13,5 tiêu chí.
Diện mạo khởi sắc
Gần 10 năm trước, đến được xã Ba Động (huyện Ba Tơ) chỉ là những tuyến đường nhỏ “nắng bụi, mưa bùn”, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào “cây lúa, củ mì”. Tuy nhiên, gần chục năm trở lại đây, thông qua các dự án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn xã Ba Động ngày càng khởi sắc.
Nông dân xã Ba Động đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp (Ảnh: TL) |
Từ kinh phí trên 31 tỷ đồng được huy động từ các nguồn lực, xã Ba Động đã đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống kênh mương thủy lợi được cứng hóa và kiên cố hóa, đáp ứng nhu cầu nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân...
“Chương trình xây dựng NTM đã thay đổi ý thức của người dân, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang thương mại-dịch vụ. Việc chuyển đổi này không chỉ làm cho đời sống của người dân khá lên, mà còn giúp họ biết kết hợp các mô hình kinh tế khác nhau, tạo ra những sản phẩm có giá trị, mang lại thu nhập cao cho gia đình”, đại diện UBND xã Ba Động cho biết.
Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, người dân còn mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, mang lại thu nhập ổn định từ 100 - 120 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đạt trên 35 triệu đồng/người/năm.
Nổi bật trong đó có thể kể đến HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ). HTX đã trở thành cầu nối tiêu thụ nhiều đặc sản như: Mật ong rừng, tiêu rừng, chuối rừng khô, rau rừng, đặc biệt là sản phẩm dệt thổ cẩm Làng Teng (Ba Thành).
Hiện nay, HTX đã mở cửa hàng giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm tại thị trấn Ba Tơ. Tại cửa hàng, HTX còn tổ chức dệt thổ cẩm thủ công để người dân đến tham quan, lựa chọn và mua sắm.
Một trong những HTX miền núi hoạt động mạnh, có sản phẩm đưa vào hệ thống Siêu thị BigC ổn định trong suốt thời gian dài, tạo được dấu ấn, nâng tầm nông sản vùng cao là HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà (huyện Sơn Hà).
Hiện, sản phẩm được người tiêu dùng trong khu vực miền Trung và Tây Nam Bộ tin dùng là gà kiến Sơn Hà. Với giá bán khoảng 120.000 đồng/kg, người nuôi gà là thành viên HTX đã thực sự có lãi, an tâm đầu tư.
Ngoài ra, HTX còn cung ứng heo rừng lai chăn nuôi bằng phương pháp hữu cơ, được thị trường ủng hộ, với sức tiêu thụ vài tấn heo thịt/tháng. Đây cũng là HTX miền núi của tỉnh mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm bán hàng của Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi để thay đổi cung cách phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn thị hiếu, tâm lý tiêu dùng.
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Quảng Ngãi giảm xuống còn 4,02%; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường...
Gian nan đường về đích
Gần 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM đến nay, việc hoàn thành các tiêu chí NTM tại các xã miền núi đạt rất thấp so với mức bình quân của cả tỉnh. Ngoài 4 xã Ba Động, Trà Bình, Long Sơn và Sơn Thành, hầu hết các địa phương còn lại hiện chỉ đạt dưới 10 tiêu chí.
Địa hình hiểm trở, nên các xã miền núi gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí giao thông (Ảnh: TL) |
Hiện có 4/6 huyện: Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long và Tây Trà chưa có xã nào đạt chuẩn NTM. Không chỉ vậy, so với khu vực đồng bằng, khoảng cách các tiêu chí còn chênh lệch lớn. Trong đó, tiêu chí hộ nghèo và cận nghèo ở các xã còn từ 15 - 40% và thu nhập bình quân chỉ đạt 15 - 18 triệu đồng/người/năm...
Đặc biệt, các xã miền núi phần lớn địa hình là hiểm trở, dân cư sinh sống phân tán, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nên việc huy động nhân dân đóng góp xây dựng đường giao thông, cũng như thực hiện các tiêu chí NTM còn hạn chế. Do đó, tiêu chí giao thông vẫn còn nhiều hạn chế, khó hoàn thành.
Ngoài ra, khu vực miền núi hiện đang được triển khai nhiều các chương trình hỗ trợ dân sinh, phát triển kinh tế, nhưng hiệu quả chưa cao nên cần thay đổi cơ chế hỗ trợ đặc thù mang tính thiết thực hơn trước.
Theo đó, cần thông qua việc tăng cường chuyển giao kỹ thuật và giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng; hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng trang trại, gia trại; cũng như nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho các HTX, tổ hợp tác, mô hình tổ chức sản xuất mới... nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân để tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Ngọc Giang