Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM là một chương trình mang tính toàn diện, tác động tích cực đến tất cả các mặt của đời sống xã hội.Vì vậy, Huyện ủy Giồng Riềng đã ban hành Chương trình hành động và Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM. Đến nay, 18 xã của huyện đã về đích NTM. Giồng Riềng đang tiếp tục dồn sức phấn đấu đạt huyện NTM vào cuối năm 2020 và thị trấn Giồng Riềng trở thành đô thị loại IV.
Phát triển mạnh THT, HTX nông nghiệp
Với tiềm năng và lợi thế về sản xuất nông nghiệp, những năm qua huyện đã tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo mô hình THT và HTX nông nghiệp. Đến nay, huyện đã thành lập được 1.155 THT, 77 HTX nông nghiệp.
Anh Danh Sơn, thành viên HTX Thuận Phát trồng khổ qua (mướp đắng) thu lãi 50 - 60 triệu đồng/năm. |
Được xem là xã nghèo nhất của huyện Giồng Riềng, xã Bàn Thạch có hơn 50% nhân khẩu là đồng bào Khmer. Nhờ thực hiện mô hình THT và HTX nông nghiệp, Bàn Thạch đã đảm bảo cung cấp lúa gạo chất lượng cao để xuất khẩu. Không những vậy, xã còn đưa hàng trăm ha màu xuống ruộng và tận dụng mặt nước nuôi thả, thu hoạch hàng trăm tấn cá đồng các loại.
Đặc biệt, HTX Thuận Phát (ấp Láng Sen) đã có trên 90 ha ruộng lúa trồng xen canh dưa hấu, dưa leo, bí…, cung cấp cho thị trường 2.200 tấn rau quả các loại mỗi năm. Nhờ có đầu ra ổn định, hàng chục THT và HTX nông nghiệp đã và đang chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang hình thức lúa + màu, lúa + thuỷ sản.
Mô hình THT và HTX nông nghiệp đã góp phần giúp cuộc sống của đồng bào Khmer ở Giồng Riềng phát triển. Bộ mặt nông thôn, nhất là ở những xã đặc biệt khó khăn ngày càng khởi sắc. Nhiều xã xây dựng NTM đã vươn lên đạt từ 12 - 14 tiêu chí về xây dựng NTM.
Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 48,7 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm còn 3,49% năm 2019. Theo đó, cuộc sống người dân ngày càng ấm no, không còn lo nghèo mà tính đến chuyện vươn lên khá giàu.
Đổi thay từ NTM
Theo báo cáo, trong 10 năm, tổng nguồn kinh phí đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn huyện trên 1.486 tỷ đồng, trong đó nhân dân và mạnh thường quân đóng góp trên 212 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã có một hệ thống giao thông liên hoàn thông suốt từ huyện đến trung tâm các xã, ấp bằng bê tông chắc chắn với 258 km tuyến trục chính và 683 km tuyến ngõ xóm.
Đường về huyện Giồng Riềng đổi thay từ xây dựng NTM. |
Ông Nguyễn Hồng Phương (ấp Đường Gỗ Lộ, xã Long Thạnh) cho biết, khi bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM, đường giao thông nông thôn phát triển khang trang, địa phương xây dựng HTX, cánh đồng mẫu lớn…. giúp cho đời sống người dân nâng lên rõ rệt.
Bên cạnh đó, hệ thống các chợ xã được đầu tư khang trang; thương mại - dịch vụ cũng có bước phát triển đáng kể, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 9,3%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra. Giờ đây, Giồng Riềng đã là điểm đến của các nhà đầu tư, những cụm, tuyến dân cư tập trung; các cơ sở công nghiệp xay xát, chế biến gạo xuất khẩu…
Từ đó, tạo nên giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2019 đạt gần 1.000 tỷ đồng, đạt 105,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt gần 10.000 tỷ đồng (giá hiện hành), đạt 103,5% kế hoạch.
Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn 99,1%, 18 xã không còn nhà dột nát, khoảng cách nông thôn và thành thị dần thu hẹp, điều kiện sinh hoạt và cơ hội làm kinh tế được chia đều cơ hội cho mọi người dân tạo tinh thần phấn khởi, khí thế thi đua lao động làm giàu cho gia đình và quê hương.
Đại diện Huyện ủy Giồng Riềng nhận xét, con đường xây dựng NTM ở Giồng Riềng với kế hoạch bài bản, lộ trình cụ thể đã đưa vùng quê nông nghiệp trở thành nơi đáng sống với tất cả người dân. NTM là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.Vì vậy, kết quả trên chính là bước đệm để Giồng Riềng tiếp tục khắc phục khó khăn, tận dụng lợi thế tiến tới xây dựng thành công NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao.
Nguyễn Đan