Quảng Nam là địa phương có phong trào phát triển HTX từ khá sớm, đến nay toàn tỉnh đã có 539 HTX, trong đó có nhiều HTX hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cũng là nhân tố tích cực trong triển khai thực hiện chuyển đổi số sản xuất cũng như tiêu dùng tại địa phương.
Bước đột phá nâng giá trị nông sản
Ông Phạm Hồng Quảng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Nam đánh giá, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số được xem là những giải pháp hiệu quả nhằm vượt qua dịch bệnh, biến đổi khí hậu hiện nay.
Đặc biệt, chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa có chất lượng và mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững cho các HTX, “chìa khóa” mở “cánh cửa” cho nông nghiệp hiện đại và là điều kiện bắt buộc để nông nghiệp Quảng Nam tham gia thị trường thế giới.
Khu vực KTTT, HTX là nhân tố tích cực trong triển khai thực hiện chuyển đổi số sản xuất cũng như tiêu dùng tại địa phương. |
Theo đó, đối với các HTX nông nghiệp ở Quảng Nam, thông qua chuyển đổi số, sẽ số hóa quá trình sản xuất, nuôi trồng sử dụng các công nghệ: IoT, AI, ứng dụng blockchain để truy xuất nguồn gốc, sử dụng thương mại điện tử để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh, sử dụng các công nghệ thanh toán điện tử.
"Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và cần thiết đối với hệ thống KTTT, HTX tỉnh Quảng Nam hiện nay nhằm xây dựng nền tảng số cho HTX, phục vụ kết nối, quản lý, điều hành thông suốt, cung cấp và chia sẻ thông tin kịp thời về pháp luật, thị trường, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho các HTX, xây dựng môi trường chia sẻ và tổng hợp dữ liệu, kết nối cung- cầu dựa trên các công nghệ số", ông Quảng cho biết.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân, những năm qua đã có hàng trăm mô hình ứng dụng công nghệ số do nông dân làm chủ được hình thành, mang lại hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội.
HTX Best One thành lập năm 2021, tại phường An Phú, TP. Tam Kỳ chuyên sản xuất sản phẩm từ cây nhàu. Đến nay, HTX đã sản xuất, chế biến ra nhàu lát khô, bột nhàu, trà nhàu túi lọc, viên nhàu, nhàu tươi ngâm mật ong, nước cốt nhàu, nước cốt nhàu vị dứa, rượu nhàu, muối chườm thảo dược. Trong đó, bột nhàu được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Bà Bùi Thị Tuyết Nhung, Giám đốc HTX chia sẻ, ứng dụng chuyển đổi số, chúng tôi đã chọn hướng đi để lan tỏa sản phẩm nhàu Best One đến thị trường chủ yếu bằng phương pháp online, thương mại điện tử. Do vậy, ngay sau khi có tên thương hiệu, Best One, HTX đã xây dựng trang website “nonibestone.com” và đây được xem là tài sản vô hình của thương hiệu.
Thông qua website, HTX Best One thường xuyên cập nhật tin tức liên quan đến khởi nghiệp, vùng nguyên liệu, sản xuất, quảng bá sản phẩm nhằm tăng uy tín của trang điện tử và bán hàng ngay tại “ngôi nhà” của mình.
Ngoài ra, HTX còn đăng ký, bán hàng trên Lazada, Shopee, Sendo, chăm sóc, quảng bá bán hàng trên các kênh facebook, fanpage, zalo, tiktok, google map, youtube. Đặc biệt, xây dựng hệ thống bán hàng online thông qua nhà phân phối, đại lý trên toàn quốc.
“Các đơn hàng có được trên website, trên các kênh thương mại điện tử, Best One chuyển lại cho nhà phân phối, đại lý tại nơi đó gửi đến khách hàng, giúp giảm chi phí vận chuyển và gây thiện cảm với họ hơn. Với hoạt động của mình, HTX giải quyết việc làm cho 10 lao động, mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng”, bà Nhung nói.
Thích ứng để phát triển
Là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng chuyển đổi số và mang lại hiệu quả cao, thời gian qua, HTX nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn, thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn đã nâng cao sản lượng dưa lưới nhờ chuyển đổi số trong sản xuất.
Ông Nguyễn Quang Kiệt, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, với điều kiện sinh trưởng và phát triển trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ trung bình hơn 30 độ C nên HTX đã đầu tư hệ thống nhà lưới với diện tích 1.200 m2, có hệ thống tưới nước phun sương tự động. Bên trong nhà lưới là môi trường vô trùng, trước khi trồng được khử khuẩn, người ra vào phải thay đồ bảo hộ để ngăn vi khuẩn xâm nhập.
Sản phẩm của HTX đã được ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, sử dụng thương mại điện tử. |
Dưa lưới là loại cây khó trồng, yêu cầu kỹ thuật rất cao từ khâu gieo giống, chăm sóc đến thường xuyên điều chỉnh nhiệt độ, chế độ phân bón khoa học, nhiệt độ phải điều chỉnh theo giai đoạn sinh trưởng.
Hiện tại HTX đang trồng 3 loại dưa lưới là Inthenol Hà Lan, King Khang Nguyên, Queen Khang Nguyên. Đây là những loại dưa chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và tốt cho sức khỏe.
“Chúng tôi là đơn vị tiên phong trồng giống dưa lưới ở vùng đất Quế Sơn. Chính khí hậu nắng nóng đặc trưng của địa phương đã tạo nên độ ngọt và hương vị riêng cho sản phẩm dưa lưới của HTX. Hiện sản phẩm dưa lưới của HTX mang thương hiệu Tân Phong đã đăng ký truy xuất nguồn gốc và đạt chứng nhận VietGap. Với những thành công ban đầu, HTX đang nỗ lực mở rộng thêm 2 nhà lưới với quy mô 1.200 m2/nhà lưới. Đồng thời đang mở rộng tiêu thụ ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và hướng tới xuất khẩu”, ông Kiệt khẳng định.
Có thể nói, ngoài HTX Best One và HTX nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn thì các HTX ở Quảng Nam như, HTX Điện Quang, thị xã Điện Bàn, HTX nông nghiệp Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, HTX Nông - dược Trường Sơn Xanh, huyện Tây Giang, HTX Nấm công nghệ cao miền Trung, TP. Tam Kỳ cũng đang chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường trên ứng dụng số, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.
Đại diện Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đánh giá, chuyển đổi số trong kinh tế tập thể là số hóa quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, sử dụng thương mại điện tử.
Chính vì thế, chuyển đổi số được Liên minh HTX tỉnh khuyến khích HTX áp dụng và bước đầu bắt nhịp thị trường. Tuy nhiên, số lượng HTX tham gia tiến trình chuyển đổi số còn ít, chưa quy củ. Nguyên nhân là do nhiều đơn vị chưa nhận thức được tầm quan trọng của công việc này. Năng lực, trình độ về số hóa, công nghệ thông tin của cán bộ quản lý HTX hạn chế, hạ tầng liên quan còn lạc hậu.
“Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tăng cường định hướng, tư vấn và tập huấn về chuyển đổi số cho thành viên HTX. Lựa chọn HTX hoạt động hiệu quả, nắm bắt nhanh về công nghệ thông tin và cán bộ có năng lực, tâm huyết nhằm xây dựng mô hình điểm ứng dụng công nghệ số gắn với sản phẩm chủ lực để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng” vị đại diện này nói.
Có thể khẳng định, hiệu quả từ chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đã được minh chứng, ứng dụng chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là đòi hỏi, yêu cầu khách quan của sự phát triển, không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc. Nhưng muốn thực hiện chuyển đổi số thành công thì phải đồng bộ, tích hợp được dữ liệu, tạo sự liên thông, đây không chỉ là nhiệm vụ của một cấp, một ngành mà là của cả hệ thống chính trị ở Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Kim Yến