Nhiều mô hình HTX đang góp phần thay đổi nhận thức của người dân Cơ Tu trong sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Từ đó góp phần rất lớn trong giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn.
Làm giàu từ cây bản địa
Hiện ở Tây Giang có HTX nông lâm nghiệp Thiên Bình ở xã Lăng, là một điển hình trong việc phát triển loài cây dược liệu. Từ lúc ban đầu có 8 thành viên sáng lập, đến nay HTX đã có 15 thành viên tham gia, diện tích trồng từ 11 ha nay tăng lên 41ha. Doanh thu hằng năm trên 1,2 tỉ đồng, lợi nhuận thu về trên 400 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 42 lao động.
Nhiều mô hình HTX đang góp phần thay đổi nhận thức của người dân Cơ Tu trong sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. |
Với phương châm “ Không cam chịu đói nghèo” HTX đã hướng dẫn bà con trồng các cây dược liệu có giá trị cao như ba kích, chè dây, đảng sâm… để cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo.
Đến nay các thành viên trong HTX nói riêng và bà con Cơ Tu nói chung đã dần thay đổi nhận thức, tuân thủ các kỹ thuật, nhật ký vườn trồng mà HTX đã tập huấn, bắt đầu có thu nhập ổn định và tái đầu tư vào vùng nguyên liệu mới.
Hiện nay, HTX đã liên kết với 10 hộ dân trồng ba kích và 15 hộ dân trồng chè dây, nâng tổng số hộ liên kết lên thành 25 hộ. Liên tục thu mua ba kích và chè dây của bà con, ước tính trên 2 tấn thô nguyên liệu.
Với vai trò làm “bà đỡ” cho người dân phát triển sản xuất, không chỉ các thành viên mà các hộ liên kết trồng dược liệu cho HTX đều được hỗ trợ sản xuất, bảo đảm quyền lợi chính đáng. Thành viên chủ yếu của HTX là người đồng bào dân tộc Cơ Tu. Ai vào HTX, khó khăn về vốn đều được HTX hỗ trợ theo phương pháp trả dần.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Giám đốc HTX chia sẻ: Làm HTX, trước hết phải là “điểm tựa” để các thành viên có cuộc sống ổn định, thay đổi tư duy xây dựng và phát triển sản phẩm cây dược liệu hàng hóa để giảm nghèo bền vững.
“Để giúp bà con đỡ vất vả, tăng cao năng suất lao động, tăng giá trị kinh tế cho nông sản, HTX đã đầu tư mua sắm nhiều loại máy móc phục vụ việc sơ chế, rửa, sấy nông sản, máy ngâm ủ và lọc rượu ba kích, đẳng sâm. Nhờ vào sự tính toán, làm ăn bài bản của Hội đồng quản trị HTX, mà nhiều hộ dân đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ việc tham gia trồng và chế biến dược liệu”, ông Nguyễn Bá Hiến nói.
Ông Trần Văn Ta, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang khẳng định, với việc chọn hướng đi sản xuất, chế biến dược liệu, hướng đến chế biến sâu, phát huy lợi thế sẵn có tại địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ là hướng đi bền vững của HTX nông lâm nghiệp Thiên Bình. Hoạt động của HTX Thiên Bình có vai trò không nhỏ trong chủ trương phát triển cây dược liệu nhằm xóa đói, giảm nghèo ở huyện Tây Giang.
Đa dạng “cách” thoát nghèo
Chuyện đồng bào Cơ Tu làm du lịch, hay những thanh niên Cơ Tu làm hướng dẫn viên du lịch không còn xa lạ tại nhiều bản làng ở miền núi Quảng Nam. HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang cũng là một điển hình thành công.
Ông Bríu Thương, Giám đốc HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu cho biết: Hiện nay, HTX đang vận hành rất tốt, bà con rất phấn khởi với nguồn thu nhập thêm không nhỏ từ du lịch.
Nhân rộng các mô hình HTX của đồng bào Cơ Tu sản xuất hiệu quả, giúp nhiều hộ thành viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu. |
Doanh thu từ phí tour của HTX năm vừa qua là 600 triệu đồng và từ bán sản phẩm là khoảng gần 1 tỷ đồng. Du khách trong và ngoài nước đều rất ấn tượng với các hướng dẫn viên người Cơ Tu tại chỗ, bởi họ rất am hiểu văn hóa bản địa. Ngoài tiếng mẹ đẻ, họ còn thông thạo tiếng Việt và rất giỏi trong giao tiếp tiếng Anh.
Già làng Zuông Noonh, 70 tuổi, vừa thoăn thoắt đan những chiếc giỏ mây, gùi mây vừa hào hứng cho biết, thu nhập của ông từ bán các sản phẩm đan lát cho HTX cũng được đến 4 triệu đồng/tháng và đây là mức thu nhập khá cao so với mức trung bình của đồng bào Cơ Tu ở xã Tà Bhing.
Hay như tại HTX dệt thổ cẩm Zơra, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, HTX này chính là khởi điểm của Dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu. Hoạt động chính của HTX là dệt, kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm kết hợp với làm du lịch cộng đồng. Đến nay, HTX đã thu hút 50 chị em phụ nữ dân tộc Cơ Tu tham gia.
Ông Rơ Râm Thực, Chủ tịch UBND xã Tà Bhing đánh giá, đây là HTX thổ cẩm đầu tiên của bà con dân tộc Cơ Tu tại huyện Nam Giang được thành lập và vận hành cho đến nay. Thành công từ việc phát triển nghề dệt thổ cẩm là tiền đề để bà con Cơ Tu tham gia vào Dự án Du lịch dựa vào cộng đồng.
Việc giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm làng dệt thổ cẩm Zara không chỉ góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa cổ truyền của đồng bào dân tộc Cơ Tu mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Với các huyện miền núi Quảng Nam, việc hình thành và mở rộng các làng du lịch cộng đồng có ý nghĩa rất quan trọng trong nâng cao mức thu nhập cho người dân, xóa đói, giảm nghèo tại chỗ. Bên cạnh đó, các loại hình du lịch này đã và đang góp phần bảo tồn văn hóa của đồng bào DTTS.
Theo ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, việc phát triển ngành Du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng ở khu vực miền núi bước đầu có hiệu ứng tích cực, đồng bào bước đầu đã có thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Ông A Lăng Mai, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đánh giá, để từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều giải pháp sát, đúng với thực tiễn trên cơ sở lồng ghép, huy động các nguồn lực cho công tác này.
Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh của địa phương, phù hợp với văn hóa, tập quán, hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, nhân rộng các mô hình HTX của đồng bào Cơ Tu sản xuất hiệu quả, tạo sản phẩm đặc sản, giá trị cao.
“Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tỉnh cũng tăng cường bảo tồn, phát triển các ngành nghề truyền thống, gắn phát triển làng nghề với du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch vùng sâm, vùng dược liệu”, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam chia sẻ.
Đoàn Huyền