HTX Nông nghiệp Cam An (xã Cam An, thị trấn Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) có hơn 300 ha lúa sản xuất 2 vụ, năng suất đạt trên 50 tạ/ha/vụ.
Xuống giống vụ Đông xuân (Ảnh Tư liệu) |
Xác định hướng đi đúng
HTX nông nghiệp Cam An có 560 hộ thành viên tham gia, diện tích gieo trồng lúa cả năm của HTX đạt hơn 670 ha, năng suất bình quân một năm thu được hơn 3.000 tấn lúa. Hằng năm, HTX tổ chức thu mua lúa khô cho thành viên HTX khoảng 50 - 80 tấn.
Theo ông Hoàng Văn Châu, Giám đốc HTX nông nghiệp Cam An, con số này vẫn còn hạn chế so với sản lượng lúa người dân làm ra. Tuy vậy, trong điều kiện kho bãi nhỏ hẹp, HTX đã cố gắng thu mua, xay xát, đóng gói bao bì sản phẩm để cung ứng cho thị trường với giá thu mua cho người dân cao hơn từ 1 - 2 giá so với việc người dân bán cho tư thương.
Xác định chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao là hướng đi đúng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo mô hình tiêu biểu về sản xuất lúa theo hướng an toàn, huyện Cam Lộ đã hỗ trợ HTX nông nghiệp Cam An triển khai xây dựng dự án “Sản xuất lúa phục vụ phát triển thương hiệu”.
Từ năm 2017 - 2018, HTX đã thực hiện quy hoạch, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, quy trình phòng trừ dịch hại và triển khai xây dựng các mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển thương hiệu. Mục tiêu năm 2019 - 2020 là tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển thương hiệu, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, từ khâu làm đất, gieo sạ, thu hoạch, sấy, xay xát, đóng bao, tiêu thụ.
Theo đó, mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển thương hiệu thành công sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người nông dân, lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha. Cùng với đó, chi phí sản xuất như dịch vụ làm đất, tưới nước, gieo cấy, thu hoạch giảm đáng kể, áp dụng được quy trình sản xuất tiên tiến, quản lý dịch hại tổng hợp và cơ giới hóa nên giảm chi phí nhân công, giảm lượng và số lần phun thuốc, giảm lượng giống, lượng phân bón và tăng hiệu quả sử dụng, tăng lợi nhuận cho nông dân so với cách làm riêng lẻ như trước đây.
Cơ giới hóa đồng bộ
Hệ thống máy móc của HTX nông nghiệp Cam An đã được đầu tư tương đối đồng bộ (Ảnh TL) |
So với các HTX nông nghiệp khác, đến nay, hệ thống máy móc của HTX nông nghiệp Cam An đã được đầu tư tương đối đồng bộ, đầy đủ với hệ thống xay xát gạo khép kín, máy hút chân không, máy đóng bao bì và máy cưa gỗ rừng trồng FSC với tổng giá trị khoảng 80 triệu đồng.
Việc áp dụng máy móc có công suất lớn, cơ giới hóa đồng bộ thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, cải tạo, mở rộng diện tích ruộng đồng. Thông qua việc giảm sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và điều tiết nước hợp lý trên phạm vi rộng cả cánh đồng lớn sẽ góp phần quan trọng bảo vệ môi trường. Đối với đầu ra sản phẩm, HTX sẽ liên kết với doanh nghiệp thu mua để người dân yên tâm sản xuất, đồng thời hướng đến mục tiêu doanh nghiệp đặt hàng cho nông dân sản xuất theo yêu cầu của thị trường về chủng loại, số lượng, chất lượng.
Phó giám đốc Nguyễn Thế Hoài, người trực tiếp tham gia mô hình sản xuất gạo sạch của HTX nông nghiệp Cam An chia sẻ: “Từ khi HTX được quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống xay xát gạo, hút chân không đóng gói bao bì thành phẩm đã giải quyết rất lớn vấn đề tiêu thụ lúa gạo cho thành viên HTX. Vụ vừa qua, HTX thí điểm 30 ha sản xuất gạo sạch, trong đó tôi có tham gia làm 4 ha. Sau khi thu mua lúa của thành viên HTX, chúng tôi tiến hành xay xát, đóng gói thành bao bì sản phẩm cung ứng cho thị trường, được người tiêu dùng rất ưa chuộng vì tiện lợi, chất lượng”.
Theo ông Hoàng Văn Châu - Giám đốc HTX nông nghiệp Cam An, khó khăn nhất của các HTX là vốn đầu tư mua sắm máy móc thiết bị. Nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh nên đến nay, HTX cơ bản đã có đầy đủ các loại máy móc cần thiết phục vụ cho sản xuất. Gạo sạch do HTX nông nghiệp Cam An hoàn thiện quy trình sản xuất, đóng gói, hút chân không bảo quản cung ứng cho thị trường đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, HTX đang hoàn thiện nhãn hiệu để có thể nhân rộng mô hình sản xuất. Thời gian tới, HTX mong muốn được hỗ trợ đầu tư mua máy sấy để có thể tiến hành thu mua lúa tươi cho người dân, giải quyết tình trạng tư thương ép giá khi người dân bán lúa tươi tại ruộng.
Đan Nam