HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2000 trên cơ sở một tập đoàn sản xuất của huyện. Vốn điều lệ đăng ký ban đầu của HTX là 255 triệu đồng, trong khi 200 thành viên chỉ góp vốn có 31 triệu đồng.
Để có đủ vốn điều lệ hoạt động trong những ngày đầu mới thành lập, 6 thành viên trong Ban quản trị HTX phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình để vay vốn ngân hàng.
Cải tạo đồng đất để khởi nghiệp
Kể về quãng đời lập thân, lập nghiệp của mình, Giám đốc Nguyễn Văn Trãi cho biết năm 1975, anh tình nguyện nhập ngũ vào quân đội, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Đến năm 1982, anh được xuất ngũ trở về quê nhà ở huyện Vĩnh Hưng và bắt tay vào cải tạo đồng đất nhiễm phèn của vùng Đồng Tháp Mười.
Sau những năm tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, anh đã tích lũy được vốn và kinh nghiệm làm ăn nên quyết định đưa vợ con đến xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp để sinh cơ, lập nghiệp.
Đến vùng đất mới, anh Trãi vừa mua vài công đất ruộng để có nơi “cắm dùi” và canh tác lúa, vừa ra sức khai khẩn đất hoang để tăng gia sản xuất và làm giàu chính đáng.
Nhờ chịu khó “một nắng hai sương”, giỏi tính toán trong làm ăn và biết tích lũy vốn liếng…, đến nay, gia đình anh đã sở hữu hàng chục hécta đất ruộng, cùng nhiều máy móc hiện đại phục vụ sản xuất và đời sống.
“Cuộc sống của gia đình bắt đầu sang một trang mới từ khi tôi cùng với bà con đóng góp công sức, tiền của thành lập HTX và được UBND xã Phú Cường cử đi học Luật HTX, rồi được tín nhiệm chỉ định giữ vai trò giám đốc”, anh Trãi cho biết.
Với sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp, HTX đã hòa nhập nhanh với nền kinh tế thị trường, tổ chức tốt các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cánh đồng lúa hữu cơ của HTX |
Mô hình chuỗi liên kết
Tháng 10/2014, HTX tổ chức đại hội thành viên chuyển đổi mô hình theo Luật HTX 2012. Đây là HTX đầu tiên của tỉnh chuyển đổi mô hình theo Luật để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại. Sau khi chuyển đổi, HTX có 1.200 ha đất canh tác lúa với 356 hộ nông dân, vốn điều lệ hơn 42 tỷ đồng.
Dịch vụ ngành nghề từ 6 tăng lên hơn 10 dịch vụ, gồm: Dịch vụ nước sạch nông thôn, tín dụng nội bộ và các khâu cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, chăm sóc thu hoạch đến tiêu thụ, tạm trữ lúa và xay xát chế biến gạo…
HTX còn thành lập Xí nghiệp Chế biến lúa gạo, hạch toán độc lập theo Luật HTX 2012. Xí nghiệp có vốn hoạt động gần 42 tỷ đồng, thực hiện bao tiêu, tạm trữ lúa và chế biến, tiêu thụ gạo cho toàn bộ sản lượng của các thành viên HTX và các diện tích khác trên địa bàn xã.
Ngoài ra, HTX còn từng bước xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Đặc biệt, HTX đã phát hiện và mở rộng đất canh tác lúa tím than và tổ chức xay xát, đóng gói thành phẩm gạo tím than mang thương hiệu: “Gạo tím than Tân Cường”.
Sau khi sản phẩm được công nhận quyền sở hữu trí tuệ, HTX tích cực thăm dò, tìm hiểu thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. HTX đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, máy móc, mở rộng diện tích và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để cung ứng sản phẩm gạo sạch, an toàn cho người tiêu dùng cũng như hướng đến xuất khẩu.
Với những kết quả đạt được trong nhiều năm qua, HTX và Giám đốc Nguyễn Văn Trãi đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung ương và chính quyền tỉnh, huyện, xã... UBND tỉnh Đồng Tháp còn đề nghị cơ quan chức năng đề cử Giám đốc Nguyễn Văn Trãi là 1 trong 5 doanh nhân tiêu biểu của tỉnh.
Hoàng Lê