Là huyện miền núi biên giới của tỉnh Nghệ An, Kỳ Sơn có nghề dệt thổ cẩm và thêu ren truyền thống của người Thái và Mông. Nơi đây có 14 làng nghề dệt thổ cẩm được chính quyền huyện Kỳ Sơn công nhận và nhiều cơ sở sản xuất như thêu ren Pàn Tầu của người Mông ở các xã Huồi Tụ, Mường Lống...
Đáp ứng thị hiếu tiêu dùng
Tuy nghề dệt và thêu truyền thống ở Kỳ Sơn làm ra những sản phẩm độc đáo, nhưng việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, không theo định hướng nên chưa phát huy được tiềm năng. Các hộ và các tổ hoạt động đơn lẻ dẫn đến việc bị ép giá, nguyên liệu đầu vào cao, giá đầu ra sản phẩm lại thấp.
Bên cạnh đó, tình trạng không có người kiểm định kỹ thuật, chưa có gian hàng tập kết, giới thiệu sản phẩm và những khó khăn trong giao dịch với khách hàng... là những trở ngại của người sản xuất thổ cẩm.
Trước thực trạng trên, nhóm 6 người, gồm: Chị Phan Thị Hồng Thơm - cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện; chị Vi Thị Tình - Trưởng nhóm dệt thổ cẩm Tà Cạ; chị Lê Thị Mai - Trưởng nhóm dệt bản Na; chị Nguyễn Thị Nhung và Vừ Y Ma - Trưởng nhóm thêu ren của người Mông được sự hỗ trợ của địa phương, đã thành lập HTX Sản xuất và dịch vụ Hoa Ban Xanh.
“HTX chính là pháp nhân đại diện cho người sản xuất thổ cẩm ở Kỳ Sơn đăng ký thương hiệu, nhãn mác cho sản phẩm và huy động nguồn vốn, đại diện giao dịch với khách hàng và các tổ chức khác”, chị Phan Thị Hồng Thơm cho biết.
Từ khi HTX đi vào hoạt động đã tổ chức sản xuất được những sản phẩm thổ cẩm thông dụng như khăn quàng, túi, ví, tranh thêu... để cung cấp cho các điểm du lịch và những người yêu thích sản phẩm độc đáo mang bản sắc văn hóa dân tộc.
HTX còn cung ứng các loại sợi và dụng cụ để dệt thổ cẩm, thêu ren, nhằm giải quyết nhu cầu về lựa chọn nguyên liệu và mua nguyên liệu đầu vào của người sản xuất.
Trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, HTX tiến hành thăm dò ý kiến khách hàng, xây dựng gian hàng trưng bày sản phẩm, kết nối các hệ thống bán hàng online, offline, Website, mạng xã hội Facebook, Zalo... và đào tạo về kỹ thuật dệt thổ cẩm, cắt may các sản phẩm từ thổ cẩm và thêu ren.
Các sản phẩm của HTX tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2018 |
Phát triển dự án khởi nghiệp
Tháng 10/2018, trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, HTX đã góp mặt trong chương trình Hội chợ giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của phụ nữ khởi nghiệp cùng với gần 40 gian hàng khác.
Những mặt hàng thủ công truyền thống với hoa văn đặc trưng của người Mông, người Thái ở miền núi Nghệ An đã tạo được sức hút với du khách.
Do vùng biên của huyện tiếp giáp với Lào, những sản phẩm thổ cẩm truyền thống của chị em trong HTX thường được các tiểu thương mua để mang sang bán tại Lào, Thái Lan. Tuy nhiên, theo các thành viên HTX, dù được thị trường đón nhận nhưng người tiêu dùng hoàn toàn không biết tới thương hiệu của HTX.
Nhận thấy nếu vẫn chỉ là một mặt hàng vô danh thì khó cạnh tranh trên thị trường, sau một thời gian, bên cạnh việc sản xuất, chị em trong HTX đã chú trọng phát triển thương hiệu, kết hợp cùng các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp chào bán sản phẩm tại các hội chợ, làm những sản phẩm lưu niệm bán cho khách du lịch tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng.
Tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2018 của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An, Dự án thành lập “HTX Sản xuất và dịch vụ Hoa Ban Xanh” của nhóm chị em đến từ xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn đã được trao chứng nhận trong số 43 ý tưởng khởi nghiệp dự thi.
Những ý tưởng phát triển hoạt động của HTX cũng đã được ghi nhận ở cấp Trung ương, khi trở thành một trong 20 đề án xuất sắc tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp cấp Trung ương năm 2018.
Hoàng Lê