Tại hội thảo chuyên đề: Hiến kế về startup và các mô hình kinh doanh mới của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019, ngày 2/5, ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK-Holdings đã đưa ra nhận định trên.
Thiếu "nhạc trưởng" dẫn dắt
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ , trong 3 năm qua, từ khi Thủ tướng phát động chương trình quốc gia khởi nghiệp, được sự hưởng ứng của nhiều bộ ngành như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo..., hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã bắt đầu đi vào thực chất, chứ không còn là phong trào hay tạo công ăn việc làm nữa mà hướng đến làm giàu, tạo ra những thị trường có những ứng dụng mới. Nguồn vốn không cần nhiều nhưng khả năng tăng trưởng cao.
Thiếu chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp (Nguồn: Internet) |
Tuy nhiên, trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao có sự cạnh tranh rất lớn từ các thị trường bên cạnh, chúng ta cần có những giải pháp mới liên quan đến ba thứ: cấp phép nhanh cho các sản phẩm mới đưa ra thị trường, huy động nguồn vốn nhanh để chiếm lĩnh thị trường và các giải pháp liên quan tới phát triển thị trường xuất khẩu, ở chừng mực nào đó bảo vệ thị trường trong nước trước những sản phẩm bên ngoài.
Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK-Holdings, sau hơn 10 năm hỗ trợ startup, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã phát triển và tiến bộ nhưng vẫn như một dàn nhạc mà thiếu nhạc trưởng để dẫn dắt.
"Hệ sinh thái và chính sách cần chiến lược và chiến thuật đúng đắn. Chúng ta hô hào có những doanh nghiệp tỷ USD nhưng không có chính sách, chiến lược bài bản, dài hơi mà chỉ làm ngắn hạn thì sẽ rất khó. Về mặt chiến thuật thì phải linh hoạt, hợp lý", ông Dũng nhấn mạnh.
Hiện nay nói quá nhiều về việc kéo các quỹ đầu tư lớn về Việt Nam nhưng theo ông Dũng, nó chưa cần thiết vì số lượng các startup khởi nghiệp sáng tạo đúng nghĩa còn rất ít. "Chúng ta cần xây từ gốc xây lên, một chiến lược dài hơi. Chính phủ đã đưa ra đề án rất tốt, hỗ trợ đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp nhưng vẫn thiếu một nhạc trưởng cao hơn", ông tiếp tục nhấn mạnh
Trong khi chờ hoàn thiện thể chế, ông Dũng cho rằng cần một môi trường đặc biệt, chẳng hạn sandbox, để thử nghiệm trong quy mô nhỏ. Chờ luật thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Ở đó, các startup có thể tự do sáng tạo, thử nghiệm.
"Cò" khởi nghiệp
Ông Trần Trí Dũng, chuyên gia chương trình khởi nghiệp Thuỵ Sỹ cho rằng cơ quan nhà nước hoàn toàn ủng hộ tinh thần khởi nghiệp, tuy nhiên vấn đề là chúng ta nhìn thấy mô hình kinh doanh mới nhưng không ai có thể trả lời mô hình kinh doanh mới là gì, trả lời được thì không còn gọi là "mới" nữa. Chúng ta không nhất thiết phải tạo ra một cơ chế mới, mà cần tận dụng những cái hiện có.
Bên cạnh đó, ông Dũng đề xuất cần thúc đẩy các đơn vị trung gian. Hiện, Việt Nam đã có các vườn ươm, chương trình tăng tốc, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường đại học. Nhưng có một thực tế là năng lực của các tổ chức này còn nhiều mặt cần bồi dưỡng. Những hoạt động trung gian hỗ trợ khởi nghiệp này gần như không thể sinh lời, vậy làm sao những tổ chức này có thể hoạt động và phát triển.
Đặc biệt, ông Phạm Anh Tuấn (Quảng Ngãi) quản lý một công ty trong lĩnh vực bất động sản với 4.000 nhân sự, đưa ra góp ý, Nhà nước nên có khái niệm "cò" khởi nghiệp tức là môi giới khởi nghiệp, tương tự lĩnh vực bất động sản. Lý do là nhiều người có ý tưởng lại thiếu kỹ năng bán hàng, cần có người trung gian hỗ trợ.
Liên quan tới tổ chức trung gian khởi nghiệp, hay còn gọi là "cò" khởi nghiệp, bà Trương Lý Hoàng Phi, Sáng lập trung tâm khởi nghiệp sáng tạo Tp. HCM (BSSC), Giám đốc Vintech City, cho rằng chúng ta nói đến mô hình kinh doanh mới không chỉ từ startup mà các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cũng phát sinh nhiều hình thức hỗ trợ mới. Do vậy, cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ cho các tổ chức trung gian này. Ngoài ra, khi đưa ra các chương trình thí điểm nên tham khảo ý kiến của các tổ chức trung gian này vì mỗi ngày họ nhận được rất nhiều ý tưởng.
Thy Lê