Vài năm trở lại đây, cư dân xã Chiềng Khoang sinh sống ven hồ đã chuyển từ làm nương rẫy sang nuôi cá lồng trên mặt hồ, có thu nhập khá. Thấy vậy, anh Hưng bàn với gia đình dùng số tiền tích góp đầu tư mua vật liệu làm lồng nuôi cá.
Sử dụng thức ăn tự nhiên
Mới đầu chưa có kinh nghiệm, anh làm hai lồng nuôi thử trước, cá lớn nhanh, thức ăn cho cá có thể tự chủ động được và khai thác, tận dụng hoàn toàn tự nhiên, giảm bớt được một khoản tiền thức ăn.
Năm 2016, anh Hưng quyết định làm thêm 10 lồng cá, mỗi lồng rộng 6 m2 để nuôi các loại cá trắm, cá nheo, cá lăng, mè hoa... Theo anh Hưng, những loại cá này dễ nuôi, ít bệnh, nguồn thức ăn có thể tự làm ra được. Ngoài ra, anh còn làm thêm một chiếc vó bè đánh bắt các loại cá nhỏ như tép dầu, tép mương, tôm làm thức ăn cho cá nheo và cá lăng.
Chỉ cho đàn cá ăn cỏ, lá chuối, bột sắn, bột ngô và các loài thủy sinh sống trong nước... là cách nuôi cá lồng của anh Hưng. Để có đủ thức ăn cho cá, anh trồng thêm cỏ voi, cây chuối, sắn trên đất nương. Cỏ, lá chuối cho cá trắm, còn sắn và cây chuối thái nhỏ cho các loại cá khác.
Cá được cho ăn đều hàng ngày nên lớn rất nhanh. Hiện nay, cả đàn cá chục tấn của anh Hưng đều nuôi bằng thức ăn lấy từ tự nhiên, hoàn toàn không dùng thức ăn công nghiệp, nên thịt cá săn chắc, thơm ngon được rất nhiều khách hàng đến đặt mua.
Để nắm được quá trình phát triển của đàn cá, anh thường xuyên dùng sổ ghi chép về liều lượng thức ăn, thời gian sinh trưởng, dịch bệnh thường gặp… Từ đó, anh rút ra kinh nghiệm chăn nuôi cho đàn cá phát triển tốt hơn.
Rất nhiều hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ, nông dân nuôi cá đang gặp khó khăn về đầu ra, nhưng cá của anh chưa bao giờ ế, người đến mua chủ yếu là khách quen trong huyện.
“Khách mua cá của mình chủ yếu bằng lòng tin, chứ nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt được đâu là cá nuôi bằng thức ăn tự nhiên và cá nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Khách ăn thấy ngon mới mua cho mình”, anh Hưng chia sẻ.
Đặc biệt, vào những ngày lễ, Tết, khách đến mua nhiều không có đủ cá bán. Nhờ cách nuôi sạch mà cá của anh luôn bán được giá cao từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg mà vẫn không có để bán. Tính ra mỗi năm, anh Hưng cũng kiếm ra hơn 100 triệu đồng từ nuôi cá.
Khu vực nuôi cá lồng của HTX |
Mở rộng quy mô
Để khắc phục khó khăn về kinh nghiệm, anh Hưng được tham gia một lớp tập huấn về thủy sản có tên “Sáng lập viên” dành cho nông dân trẻ. Trong thời gian tham gia lớp học, anh xây dựng ý tưởng tập hợp một số hộ nuôi cá nhỏ lẻ trên địa bàn liên kết lại thành một nhóm sản xuất.
Nghĩ là làm, anh về gặp gỡ các hộ gia đình, được nghe anh phân tích ai cũng ủng hộ. Kết quả là HTX Thủy sản Chiềng Khoang do anh làm Giám đốc được thành lập.
HTX có 23 thành viên với 120 lồng cá các loại như: Chép, trắm đen, rô phi đơn tính..., bình quân thu hoạch 100 - 120 kg/lồng/năm, doanh thu hàng năm của HTX đạt hơn 800 triệu đồng.
Bên cạnh việc nuôi cá lồng, anh Hưng còn đăng ký thực hiện mô hình nuôi vịt sinh sản và được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ máy ấp trứng, 1 tấn cám và 200 con giống.
Sau một năm, đàn vịt của gia đình anh đã phát triển tốt, trung bình mỗi ngày cho 50 quả trứng, với giá 4.000 đồng/quả, bình quân mỗi năm gia đình anh thu được hơn 70 triệu đồng từ nuôi vịt.
Nói về dự định trong thời gian tới, anh Hưng chia sẻ: HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, kết nạp thêm thành viên tham gia, tăng số lượng lồng cá lên 140 lồng, tập trung vào các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá Lăng, cá Tầm...
Vì thế, anh Hưng mong muốn các cấp, các ngành có những cơ chế chính sách hỗ trợ cho HTX để ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Hoàng Lê