Hiện nay, Phú Thọ có 147 vùng sản xuất bưởi tập trung với diện tích trên 700ha; 33 trang trại, 5 HTX, 1 tổ hợp tác sản xuất bưởi với hơn 200ha. Các địa phương đều áp dụng trồng bưởi theo quy trình VietGAP, hữu cơ… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Mang lại thu nhập cho người nông dân
Để cải tạo, phục hồi, nâng cao chất lượng mẫu mã bưởi quả đặc sản, xây dựng thương hiệu, Phú Thọ đã triển khai một số dự án khoa học công nghệ để nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật canh tác. Từ đó, trình độ kỹ thuật thâm canh bưởi của người dân được nâng lên, đặc biệt đã xây dựng được mô hình ứng dụng công nghệ cao. Năm 2019, năng suất bưởi đạt gần 11,6 tấn/ha, sản lượng trên 30.000 tấn.
Bưởi Đoan Hùng là cây chủ lực giảm nghèo của người dân Phú Thọ (Ảnh: TL) |
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đoan Hùng cho biết, cây bưởi thật sự là cây kinh tế mũi nhọn mang lợi ích kinh tế cao cho người dân trong huyện. Nhiều hộ đã thoát nghèo, làm giàu từ cây bưởi. Do đó, huyện tiếp tục chỉ đạo, tập trung mọi biện pháp để bảo vệ, giữ gìn và phát triển thương hiệu bưởi này.
Cụ thể, tại xã Bằng Luân là một trong các xã trồng nhiều bưởi nhất huyện ở Đoan Hùng với tổng diện tích 170ha. Cả xã có 1.400 hộ thì có tới 1.200 hộ trồng bưởi đặc sản, hộ ít có vài chục cây, hộ nhiều có từ hàng trăm cây trở lên đã và đang cho thu hoạch.
Bình quân mỗi cây bưởi cho thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng. Những hộ có vườn bưởi đã trở thành tài sản lớn của gia đình với mức thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/năm, cá biệt có hộ thu nhập hàng tỷ đồng.
Năm 2019, sản phẩm bưởi Đoan Hùng tiếp tục được vinh danh là một trong 75 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.
Để cây bưởi phát triển thành ngành hàng chủ lực
Những năm qua, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bưởi Đoan Hùng đã thành lập 3 HTX sản xuất kinh doanh bưởi Sửu Chí Đám, Bằng Luân và Chân Mộng. Các HTX đã đi vào hoạt động bước đầu mang lại hiệu quả trong việc quảng bá, giới thiệu sản phầm bưởi đến người tiêu dùng.
Cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển cây bưởi thành ngành hàng chủ lực ở Phú Thọ (Ảnh: TL) |
Một số HTX đã chủ động đem sản phẩm của mình tham gia quảng bá tại hội chợ nông sản do các tỉnh lân cận tổ chức. Năm 2017- 2018, UBND huyện Đoan Hùng đã phối hợp với Sở NN-PTNT triển khai thí điểm việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm bưởi đặc sản với số lượng 35 vạn tem, gắn công tác quảng bá giới thiệu với bảo hành chất lượng, từng bước lấy lại lòng tin của khách hàng với sản phẩm bưởi đặc sản Đoan Hùng.
Tuy nhiên, để cây bưởi phát triển thành ngành hàng chủ lực, hiệu quả cao và bền vững, huyện vẫn cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Trước hết, cần tăng cường công tác khuyến nông, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, VietGAP. Tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất bưởi theo hướng hàng hóa, hiện đại và sản xuất theo chuỗi liên kết từ trồng - bảo quản - chế biến - tiêu thụ. Đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng trang trại, gia trại quy mô thích hợp.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Phú Thọ, phát triển cây bưởi thành vùng hàng hóa lớn, sản xuất gắn với chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu.
Việc triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem điện tử, hình thành các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín là những nhân tố để tạo dựng thương hiệu, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm bưởi.
Đối với cây bưởi, khâu giống, kỹ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi cây có chu kỳ sinh trưởng dài, sau nhiều năm chăm sóc mới cho thu hoạch. Do đó, việc chăm sóc đúng quy trình để có sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đặt ra cho nông hộ những yêu cầu cao chính là tiền đề để cây bưởi phát triển bền vững và là yếu tố cơ bản xây dựng thương hiệu bưởi địa phương.
Ngọc Giang