Sản phẩm từ cây dược liệu đẳng sâm là một trong các sản phẩm nổi bật của HTX Tây Giang. Đây là một loại dược liệu quý trong tự nhiên, được mệnh danh là “nhân sâm của người nghèo”. Để tránh tình trạng khai thác quá mức dẫn tới cạn kiệt, đồng thời nâng cao sinh kế bền vững cho người dân, HTX đã liên kết với người dân để trồng đẳng sâm bán tự nhiên trên đất nương rẫy.
Vốn quý "cây sâm của người nghèo"
Đẳng sâm (đảng sâm, sâm nam, sâm dây, sâm khu 7) là cây thân thảo, leo bằng thân quấn, sống nhiều năm, phần trên mặt đất (thân mang lá) lụi tàn vào mùa đông hàng năm, phần dưới mặt đất (rễ củ) vẫn sống và lớn dần theo thời gian.
Theo tài liệu dược liệu cổ truyền, đẳng sâm là loài dược liệu quý, có tác dụng bồi bổ cơ thể, chữa bệnh như nhân sâm. Nghiên cứu y dược hiện đại cho thấy, đẳng sâm chứa nhiều saponin, acid amin, glycosid scutellarin, đường... rất tốt cho cơ thể, giúp phục hồi sinh lực, giải tỏa stress, chống lão hóa, tăng cường miễn dịch.
Đẳng sâm được mệnh danh là “nhân sâm của người nghèo” (Ảnh: TL) |
Huyện Tây Giang xác định, cây đặc hữu đẳng sâm là một trong hai cây dược liệu chủ lực của huyện vùng cao này nhưng chưa được khai thác triệt để tiềm năng và thế mạnh giúp đồng bào vùng cao thoát nghèo.
Đẳng sâm sinh trưởng, phát triển tốt ở những vùng có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, được phân bố và trồng tại 4 xã vùng cao Tây Giang gồm: A Xan, Tr’Hy, Gari, Ch’ơm.
Theo đó, sự ra đời của HTX Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang chính là nền tảng, tạo động lực xây dựng các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết giúp nâng tầm thương hiệu cây đẳng sâm và nhiều cây dược liệu đặc hữu Tây Giang.
Giai đoạn 2018 - 2019, huyện Tây Giang có 5 sản phẩm tham gia chương trình OCOP thì có tới 3 sản phẩm từ cây đẳng sâm là trà túi lọc đẳng sâm của HTX Nông nghiệp dược liệu Tây Giang.
Đặc biệt, giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh Quảng Nam quyết tâm xây dựng 3 mô hình OCOP vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có mô hình liên kết chuỗi sản xuất, gắn với chế biến từ củ đẳng sâm huyện Tây Giang. Đây là cơ hội rộng mở của việc hình thành vùng đẳng sâm hàng hóa.
Theo đó, HTX Tây Giang phối hợp Dự án Trường Sơn Xanh hỗ trợ thành lập 3 nhóm đồng sở thích về trồng và khai thác cây dược liệu ở các xã Gari, Axan và Ch’ơm, đồng thời tổ chức khóa tập huấn về kỹ thuật trồng và khai thác cây đẳng sâm.
Dự án Trường Sơn Xanh cũng đã hỗ trợ đầu tư một số trang thiết bị cho hệ thống nhà xưởng của HTX bao gồm máy sấy, tủ bảo quản sản phẩm, máy thái dược liệu, máy đóng gói và hút chân không, máy sao khô và máy rửa dược liệu…
Đầu tư gia tăng giá trị
Trà túi lọc đẳng sâm là sản phẩm của HTX Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang tạo ra trên cơ sở áp dụng khoa học công nghệ, máy móc thiết bị để sản xuất ra sản phẩm trà túi lọc với thành phần chính từ củ đẳng sâm tươi Tây Giang. Quá trình chế biến giữ nguyên được các thành phần của củ đẳng sâm, tạo sản phẩm có giá trị cao, mang tới cho khách hàng sự tiện lợi.
Các sản phẩm chủ lực của HTX Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang (Ảnh: TL) |
HTX đã đầu tư 1 máy rửa củ đẳng sâm, 2 máy sấy củ, 1 máy nghiền và ép củ đẳng sâm, máy đóng gói trà túi lọc với tổng giá trị đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Theo quy trình, củ đẳng sâm sau khi đưa vào máy rửa dược liệu rửa sạch, sau đó thái lát, sấy khô bằng máy sấy, rồi bỏ máy nghiền, đưa vào máy đóng gói trà túi lọc, cho vào túi nylon, đóng hộp giấy, in logo, nhãn mác, bao bì. Mỗi một hộp trà túi lọc 20 gói, 40gam có giá thành từ 75.000 - 80.000 đồng khi đưa ra thị trường.
Theo ông Bùi Nam Chính - cán bộ phụ trách kinh doanh HTX Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang, trà túi lọc đẳng sâm có công dụng như một thức uống có tính mát, bổ dưỡng vì có 100% thành phần đẳng sâm, phù hợp với các cơ sở nước uống giải khát và cần thiết trong gia đình.
Cách dùng là cho 1 túi trà vào 150 - 200ml nước sôi, để 3 - 5 phút, có thể dùng làm thức uống hằng ngày. Mỗi hộp trà có khối lượng 40g (20gói x 2g), hạn sử dụng trong vòng 12 tháng kể từ ngày sản xuất trên bao bì sản phẩm.
“HTX chỉ mới ký kết hợp đồng với một vài cơ sở tiêu thụ, tiếp tục đầu tư cho sản phẩm theo hướng sản phẩm OCOP. Khi sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, HTX sẽ tập trung mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm vào kênh siêu thị, kênh thực phẩm và đồ uống sạch hay vào thị trường quán café - giải khát trên địa bàn tỉnh. HTX cũng sẽ cho ra đời sản phẩm đẳng sâm sấy khô đóng gói hút chân không”, ông Chính nói.
Đây chính là hướng đi đầy tiềm năng, mở ra các cơ hội hợp tác kinh doanh, đẩy mạnh sản xuất của HTX Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang, đồng thời nâng cao sinh kế một cách bền vững cho người dân địa phương.
Ngọc Giang