Theo báo cáo ngành nông nghiệp huyện Phú Ninh, tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2019 của huyện Phú Ninh ước đạt 753,4 tỷ đồng (tăng 3,6% so với năm 2018). Giá trị bình quân trên đơn vị diện tích đạt 68,2 triệu đồng/ha.
Nhiều sản phẩm địa phương đạt chuẩn "3 sao"
Nhằm thay đổi cách làm nông nghiệp kiểu truyền thống xưa cũ, Phú Ninh đã đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu OCOP rất thành công. Trong đó đã có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn “3 sao” như trứng gà Văn Học, rau cải bó xôi Tam Thành, tinh bột nghệ Tấn Thuận, bánh đậu xanh Mỹ Khánh, bánh đậu xanh Hương, dầu phụng Bích Nghệ.
Ngày càng nhiều cánh đồng mang lại thu nhập cao cho người dân Phú Ninh (Ảnh: T.L) |
Nhằm nâng cao năng suất, giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, Phú Ninh đã tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nổi lên nhiều điểm sáng. Đó là, mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Tam An, mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Tam Phước, phát triển mô hình cây hồ tiêu tại thị trấn Phú Thịnh...
Theo ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh, năm 2019 mặc dù thời tiết và dịch bệnh gặp nhiều bất lợi, nông nghiệp vẫn có nhiều mảng màu tươi sáng, nhất là xây dựng được hình ảnh thương hiệu sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn “3 sao” và khống chế thành công dịch tả lợn châu Phi. Con số cánh đồng cho thu nhập cao (đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm) tiếp tục được mở rộng quy mô lẫn diện tích 1.300ha. Phát triển chuỗi liên kết sản xuất được ngành, địa phương rất quan tâm.
Việc tích tụ ruộng đất bằng hình thức vận động người dân cho THT, HTX, doanh nghiệp thuê đất để sản xuất; người dân cho thuê đất làm lao động cho THT, HTX, doanh nghiệp, tổ chức và được hưởng lương từ HTX, doanh nghiệp, tổ chức để phát triển một số mô hình sản xuất trên cơ sở đó củng cố, phát triển liên doanh, liên kết sản xuất.
“Việc thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đến nay địa phương đã thông qua 2 dự án gồm dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại xã Tam Thành và dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh tại xã Tam Lộc” - ông Anh thông tin.
Nhiều khu dân cư kiểu mẫu
Nhiều năm nay, Phú Ninh đã tập trung xây dựng hình ảnh các khu dân cư kiểu mới. Các thôn như Cây Sanh (xã Tam Dân), Hòa Bình (xã Tam Thái), Cẩm Khê (xã Tam Phước) đạt 100% các tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu.
Hưởng ứng xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, nhiều hộ dân đã cải tạo vườn nhà xanh - sạch - đẹp. (Ảnh: TL) |
Đây chính là nền tảng cải thiện mức sống thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động của người dân. Từ đó, tăng dần tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, lao động qua đào tạo. Hiện, thôn Xuân Phú của xã Tam Thái phát động xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu nâng tổng số 4 khu dân cư NTM kiểu mới của xã. Còn xã Tam Phước xây dựng thêm thôn thứ 3 là khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Theo Phòng NN&PTNT huyện, giai đoạn 2014 - 2016, 10/10 xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành nhiệm vụ NTM, đến nay 3 xã Tam Phước, Tam Thành, Tam An đủ điều kiện để lập hồ sơ, thủ tục đề nghị tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM sau 5 năm.
Năm 2020, 7/10 xã còn lại sẽ được công nhận lại, UBND tỉnh đã thống nhất cho xã Tam Thái xây dựng xã NTM kiểu mẫu và xã Tam Phước xây dựng xã NTM nâng cao vào năm 2020. Trong đó, điểm sáng khu dân cư NTM kiểu mới là xuất hiện nhiều mô hình sáng - xanh - sạch - đẹp, hình thành nhiều tuyến đường cây xanh và người dân ký cam kết xây dựng quy chế giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn.
Ông Nguyễn Đạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh đánh giá, sau khi các xã đạt chuẩn NTM, việc xây dựng các khu dân cư NTM kiểu mẫu, mỗi xã một sản phẩm OCOP luôn được địa phương quan tâm. Ngoài đảm bảo các chỉ tiêu về kinh tế, còn phải bảo vệ bền vững môi trường, kiểm soát ô nhiễm, cải tạo, chỉnh trang vườn nhà gắn với xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Về hình thức tổ chức sản xuất, chính quyền sẽ ưu tiên hỗ trợ các HTX, phấn đấu mỗi HTX phải tham gia chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực ở địa phương và hình thành chuỗi giá trị liên kết cấp huyện.
Nguyễn Đan