Kinh tế nông thôn bao gồm các HTX, tổ hợp tác, làng nghề, sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” và du lịch nông thôn.
Hợp tác xã giúp nông dân giàu có
20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 Trung ương 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có bước ngoặt phát triển lớn.
Phát triển kinh tế nông thôn thông qua hợp tác xã là hướng đi trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. |
Đơn cử, tỉnh Sơn La có 770 HTX, 6 liên hiệp HTX với hơn 34.350 thành viên; tổng vốn điều lệ gần 600 tỷ đồng; doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 9.000 lao động với thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/lao động/năm. Toàn tỉnh có 169 HTX nông nghiệp, 46 tổ hợp tác, 30 doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản với 196 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn. Thông qua Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, toàn tỉnh có 81 sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, xếp hạng từ 3 đến 5 sao.
Trong số đó, phải kể HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, tiểu khu 7, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn thành lập năm 2016 với 10 thành viên, quy mô sản xuất 50 ha cây ăn quả. Đến nay, số thành viên của HTX đã tăng lên 20 thành viên, quy mô 170 ha cây ăn quả, trong đó 70 ha thanh long.
Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, chia sẻ từ năm 2020, HTX đã bao tiêu sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX Nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu đưa xuất khẩu sang thị trường Nga. Năm nay, HTX Ngọc Hoàng phấn đấu tiêu thụ 1.500 tấn thanh long trong cả nước và xuất khẩu.
Phát huy vai trò kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La phấn đấu nâng tỷ lệ HTX đạt tiêu chuẩn khá, giỏi từ 35% trở lên, giảm số HTX yếu kém xuống dưới 10%, số HTX làm ăn ổn định và có lãi từ 85-90%; thu nhập của cán bộ quản lý, thành viên tăng 15%/năm, doanh thu bình quân của HTX 2,6 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của một thành viên HTX 60 triệu đồng/năm. Phấn đấu thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, lợi nhuận... hàng năm tăng từ 10-15% trở lên, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tương tự nhờ phát triển kinh tế tập thể, HTX mà nhiều vấn đề kinh tế - xã hội liên quan đến tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Sóc Trăng đã được giải quyết. Trong điều kiện sản xuất phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức về giá cả, thiên tai, dịch bệnh như mấy năm gần đây, các HTX đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình trong xây dựng nông thôn mới.
Một trong những HTX nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là HTX Nông nghiệp Tín Phát, xã Kế Thành, huyện Kế Sách. Đây là HTX sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, được doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu lúa sau thu hoạch.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Tín Phát Nguyễn Văn Đậm, cho biết: “Khi thành lập, đi vào hoạt động, dựa vào các quy định chung của Luật HTX, Hội đồng quản trị HTX đã xây dựng kế hoạch và hướng dẫn thành viên sản xuất, kinh doanh phù hợp theo từng thời vụ, chọn những giống lúa tốt đạt chuẩn để hạn chế dịch hại, thực hiện tốt gieo sạ theo lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Đồng thời, HTX thực hiện dịch vụ khép kín trong chuỗi sản xuất cánh đồng lớn, kéo giảm các chi phí trung gian từ 5 - 10%, trong các khâu mua vật tư nông nghiệp, cày xới đất, thu hoạch lúa…”.
Phát triển kinh tế nông thôn
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, qua hơn 10 năm triển khai Luật HTX trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phát huy hiệu quả tích cực. Việc hỗ trợ của ngành chuyên môn về trồng trọt, chăn nuôi, cấp các mã vùng trồng, vùng nuôi… cho các HTX, giúp HTX tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản sau thu hoạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tới đây, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX lĩnh vực nông nghiệp về xây dựng mô hình HTX hiệu quả gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, ngành lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án, đề án để hỗ trợ cơ sở vật chất, hạ tầng, giúp các HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ để các HTX có điều kiện nâng cao các hoạt động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn…”.
Khẳng định vai trò của các HTX trong việc xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết vai trò của HTX nông nghiệp trong kinh tế tập thể rất quan trọng. Bởi nền nông nghiệp của chúng ta hiện vẫn làm nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát với hơn 10 triệu hộ nông dân, 17 triệu thửa ruộng. Đây là nguyên nhân khiến nền nông nghiệp phát triển không tương xứng với tiềm năng và mong muốn của chúng ta.
Do đó, kinh tế tập thể, trong đó HTX nông nghiệp là giải pháp đầu tiên trong mọi giải pháp để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, để tổ chức lại sản xuất ở quy mô lớn hơn, từ quy mô lớn hơn, chúng ta tạo ra giá trị cao hơn, đa dạng hóa sản phẩm thay vì bán nông sản thô.
Về vai trò của HTX trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, chúng ta sẽ chú trọng nhiều hơn đến kinh tế nông thôn. Nếu giai đoạn trước chúng ta chú trọng đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng thì giai đoạn này sẽ chú trọng vào phát triển kinh tế nông thôn.
Kinh tế nông thôn bao gồm các HTX, tổ hợp tác, làng nghề, sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” và du lịch nông thôn. “Chúng ta phải xác định HTX là một thành phần của kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập của người nông dân. Do đó, nông sản do nông dân sản xuất cần phải chú trọng đến các khâu: Phân loại sản phẩm, bảo quản, sơ chế nông sản, thương mại điện tử, HTX số...”, ông Hoan nhấn mạnh.
Minh Vương