Đầu tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua 'Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới' giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, khu vực KTTT, HTX là nòng cốt để nhân rộng phong trào, liên kết sản xuất, tạo sinh kế cho người dân…
KTTT, HTX giúp người dân thoát nghèo
Bắc Giang hiện có 1.005 HTX, trong đó có 656 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (chiếm 65,3%); 329 HTX lĩnh vực phi nông nghiệp (32,7%); 20 quỹ tín dụng nhân dân (chiếm 2,0%). Trong đó, khoảng 30,3% HTX hoạt động khá, hiệu quả; 60% HTX xếp loại trung bình và 9,7% HTX hoạt động yếu kém.
Trồng na dai đang mang lại hiệu quả kinh tế cho các HTX và người dân ở Bắc Giang. |
Những năm qua, hoạt động của các HTX tiếp tục đổi mới và từng bước phát triển theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng theo yêu cầu của thị trường, từ đó góp phần giải quyết việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho thành viên tham gia và người lao động. Hỗ trợ các hộ gia đình xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Từng bước xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hướng đến mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn, có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.
Trong phong trào NTM, các xã đạt chuẩn NTM có ít nhất 01 HTX là mô hình thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của địa phương, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. 100% số cán bộ chủ chốt HTX tham gia ít nhất một khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ. Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên đạt 15% trở lên.
Nhờ phong trào NTM, các tiêu chí NTM đã là động lực để nhiều HTX phát triển, định hướng. Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có những đóng góp cụ thể, thiết thực trong xây dựng NTM và được cấp có thẩm quyền ghi nhận. Có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương, có nhiều sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên; phối hợp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và giải quyết được nhiều việc làm cho người dân trên địa bàn nông thôn.
Như ở HTX na dai Nghĩa Phương (Nghĩa Phương, Lục Nam), dù HTX mới thành lập năm 2019, sản xuất 35ha na, sản lượng hàng năm đạt khoảng 300 tấn. Điều đáng nói, Na của HTX sản xuất theo quy trình VietGAP nhiều năm nay nên chất lượng đảm bảo, được thị trường tin dùng. Hiện, HTX đã nộp hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP. Năm 2021, sản lượng na chính vụ đạt 250 tấn, giá bán 30.000-45.000 đồng/kg. Doanh thu đạt 10-12 triệu đồng/sào/vụ (mỗi năm na ra trái 2 vụ). Nhờ đó, nhiều hộ nông dân, thành viên HTX đã có những đổi thay trong cuộc sống, kinh tế ngày một khấm khá.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng khu vực KTTT, HTX, thời gian qua các HTX ở Bắc Giang đã đổi mới tư duy, thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, từ đó lựa chọn quy trình sản xuất phù hợp. Quá trình thực hiện cần sử dụng phần mềm nhật ký sản xuất, phần mềm kế toán để tạo mã QR, in tem, bản đồ diện tích đất, xin cấp mã vùng trồng...
Đại diện HTX Rau sạch Yên Dũng, một trong những HTX đang đẩy mạnh số hóa cho biết, ngay từ khi thành lập, đơn vị đã quan tâm chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đến nay, HTX đã sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân, tưới phun mưa; sử dụng hệ thống thiết bị định vị, thiết bị đo nhiệt kế của xe vận chuyển hàng hóa... Do đó các sản phẩm của HTX tiêu thụ thuận lợi, người tiêu dùng đánh giá cao.
Nhân rộng mô hình, nâng cao tiêu chí
Câu chuyện của hai HTX kể trên chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện hay mà Bắc Giang đang thực hiện trên con đường xây dựng NTM, để Bắc Giang trở thành địa phương đi đầu trong xây dựng NTM của cả nước.
Thực tế, toàn tỉnh có hàng trăm mô hình ứng dụng công nghệ cao, trang trại quy mô lớn, sản xuất tiêu thụ theo chuỗi liên kết. Nhờ đó đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn ở tỉnh, làm cơ sở để huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, nhằm phát triển đa dạng và bền vững các mô hình HTX trong các ngành, lĩnh vực, thời gian tới, Bắc Giang đặt mục tiêu phấn đấu thành lập mới tối thiểu 50 HTX/năm trong các lĩnh vực. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các HTX hiện có, phấn đấu mỗi năm tăng số HTX hoạt động hiệu quả lên 5 - 7%, nâng tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đến năm 2025 đạt trên 50%, giảm số HTX yếu, kém xuống dưới 9%.
Cùng với đó, giải quyết dứt điểm tình trạng HTX hoạt động không hiệu quả, ngừng hoạt động. Hoàn thành phát triển 10 mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và mô hình HTX nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu đến năm 2025, tối thiểu có khoảng 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp.
"Quá trình thực hiện thôn NTM đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về vai trò, vị thế của KTTT, HTX. Từ đó, phát huy, khơi dậy sự sáng tạo, liên kết của khu vực kinh tế này với các thành phần kinh tế khác trong công cuộc xây dựng NTM ở Bắc Giang", ông Hiền nói.
Quốc Anh