Những kết quả đạt được sau quá trình kiện toàn, đổi mới kinh tế tập thể (KTTT) vùng miền núi đã đóng góp cùng các địa phương triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Bởi các HTX hoạt động không chỉ hoàn thành tiêu chí 13 về hình thức sản xuất, mà còn góp phần giúp người dân miền núi tiêu thụ nông sản, tăng thu nhập.
Mở ra nhiều cơ hội mới
Khi số lượng HTX ở vùng miền núi tăng thì số xã hoàn thành tiêu chí 13 cũng tăng, đây là tiêu chí quan trọng, không dễ hoàn thành trong xây dựng NTM ở các địa bàn khó khăn.
Vào thời điểm năm 2017, 3 huyện miền núi của tỉnh Phú Yên là Đồng Xuân, Sông Hinh và Sơn Hòa từ 25 HTX giảm xuống còn 14 HTX và số HTX đáp ứng tiêu chí 13 cũng thấp. Báo cáo lúc đó của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Phú Yên cho biết, 3 huyện này có 6/41 xã đạt chuẩn NTM, gồm 3 xã ở huyện Sông Hinh là Đức Bình Tây, Sơn Giang và Ea Ly, 2 xã thuộc huyện Sơn Hòa là Sơn Hà, Sơn Nguyên, 1 xã huyện Đồng Xuân là Xuân Sơn Nam.
Năm 2018, 2 xã đăng ký về đích NTM của huyện Sơn Hòa là Sơn Xuân, Sơn Định không thực hiện được như kế hoạch đã đăng ký. Một trong những nguyên nhân là các xã này chưa có HTX.
Phải tới cuối năm 2019, 2 xã mới hoàn thành 19/19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí 13, nhờ chính quyền các cấp quyết liệt trong vận động thành lập mới HTX.
|
Dầu đậu phộng Xuân Phước được các cấp ngành đánh giá cao về chất lượng. |
Theo lãnh đạo UBND huyện Sơn Hòa, để các xã hoàn thành tiêu chí 13, địa phương thành lập thêm nhiều mô hình HTX, từ đó góp phần đưa 2 xã Sơn Định và Sơn Xuân đạt chuẩn NTM. Hiện, địa phương đang phấn đấu đưa các xã tiếp theo của huyện hoàn thành các tiêu chí NTM.
Cùng với việc thành lập mới, các cấp, ngành cũng đã có nhiều hỗ trợ để các HTX ở miền núi nâng cao chất lượng. Ông Võ Văn Nhẫn, Giám đốc HTX Xuân Long cho biết, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, HTX đã nâng cao chất lượng, trở thành chỗ dựa tin cậy của bà con trong phát triển kinh tế hộ. HTX hoạt động hiệu quả đã góp phần đưa xã Xuân Long về đích NTM năm 2020.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Dư, Giám đốc HTX Sản xuất Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (Đồng Xuân), năm 2018, từ nguồn vốn phát triển ngành nghề nông thôn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, HTX được hỗ trợ 90 triệu đồng để mua 1 máy ép đậu phộng công nghiệp và 1 máy bóc vỏ đậu phộng. Nhờ đó, HTX xây dựng thành công sản phẩm dầu đậu phộng mang thương hiệu HTX.
Điều đáng mừng là KTTT ở khu vực miền núi không chỉ phát triển về số lượng mà chất lượng cũng được nâng lên đáng kể. Một số HTX ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Đơn cử như HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB (BB Farm) ở huyện Sơn Hòa, mới thành lập hơn 1 năm nhưng đã có doanh thu cao, tạo việc làm cho nhiều lao động.
HTX BB Farm ứng dụng công nghệ cao trồng rau sạch đạt năng suất và hiệu quả cao. |
Ông Phạm Thọ Trường, Giám đốc HTX BB Farm cho biết: Từ 900 triệu đồng vốn hoạt động ban đầu, nay HTX đã có 6 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 30 lao động, với thu nhập ổn định 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. HTX phấn đấu đạt mức tiêu thụ 60 tấn rau/năm, nâng mức thu nhập của người lao động lên 7 - 8 triệu đồng/người/tháng..
Theo thông tin từ lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Phú Yên, khu vực KTTT có vị trí quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các HTX, tổ hợp tác trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM vùng miền núi có vai trò tiên phong, cầu nối liên kết.
Còn nhiều khó khăn cần khắc phục
Tuy nhiên, năng lực nội tại của các HTX ở vùng miền núi của tỉnh Phú Yên nhìn chung còn yếu. Nguồn vốn và nhân lực chất lượng cao hạn chế, hoạt động chủ yếu theo phương thức sản xuất cũ với quy mô nhỏ lẻ, lạc hậu…
Theo đại diện Liên minh HTX tỉnh Phú Yên, để giải quyết tình trạng này cần tập trung giải quyết 2 khó khăn căn bản của các HTX vùng miền núi hiện nay, đó là hình thức sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Theo Liên minh HTX tỉnh Phú Yên, những năm qua, các HTX đã hỗ trợ, giải quyết việc làm cho hơn 113.000 lao động và thành viên, đem lại giá trị gia tăng cho kinh tế hộ thành viên, tác động gián tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...
Thời gian qua, Liên minh HTX cùng với Sở NN&PTNT, Sở Công Thương… hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm chuỗi liên kết sản xuất tại các HTX, trong đó có cả các HTX ở vùng miền núi. Từ đó góp phần đưa khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, thay đổi hình thức sản xuất cũ đã lạc hậu, tạo cơ hội cho nông sản của vùng miền núi tiếp cận rộng hơn với thị trường, từng bước củng cố lòng tin của người dân vào mô hình HTX kiểu mới...
Cùng với đó, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, về lĩnh vực nông nghiệp gồm các mô hình HTX vừa sản xuất, vừa tham gia thị trường, HTX nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản, HTX tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và công nghệ cao vào sản xuất, HTX phát triển nông, lâm, thủy sản bền vững, HTX sản xuất sản phẩm OCOP, gắn với du lịch nông thôn, miền núi, HTX đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và bảo vệ nguồn lợi cộng đồng.
UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố cân đối ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với HTX phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương và quy định của pháp luật.
Đăng Khôi