Đặc biệt, khi giá cả sản phẩm của nhiều loại cây nông nghiệp dài ngày xuống thấp thì các loại cây trồng ngắn ngày đã trở thành cây chủ lực, giúp thành viên cải thiện thu nhập, thực hiện được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.
“Phao cứu sinh” cho nông dân
Tại HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Pò Đứa, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, với 34 thành viên sản xuất theo mô hình rau an toàn. Thời gian qua, hoạt động của HTX không chỉ góp phần đảm bảo nguồn rau sạch cung cấp ra thị trường mà còn đem lại nguồn thu nhập hơn 150 triệu đồng/thành viên/năm.
Phát triển cây ngắn ngày sẽ đem lại cho thành viên HTX nguồn thu nhập ổn định cải thiện cuộc sống. |
Bà Lý Thị Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, HTX trồng các loại cây rau, củ, quả ngắn ngày như: cải làn, súp lơ, cà chua… với diện tích hơn 6 ha.
Nhờ chất lượng rau được đảm bảo nên thị trường tiêu thụ không chỉ tại các chợ, nhà hàng trong tỉnh mà sản phẩm rau còn được các thương lái ở các tỉnh, thành: Hà Nội, Quảng Ninh… thu mua. Từ khi thành lập đến nay, HTX tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương, hằng năm, các thành viên trong HTX sản xuất 8 hoặc 9 lứa rau/sào, đem lại thu nhập hơn 800 triệu đồng/ha. Từ đó, đem lại nguồn thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm/1 thành viên sau khi trừ chi phí.
Bà Ma Thị Hà, thôn Pò Đứa, xã Mai Pha cho biết: Từ khi tham gia HTX, tôi được hướng dẫn cách trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản lượng lẫn chất lượng rau thu được cao hơn.
Thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình nên năm 2019, tôi tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau an toàn, nâng tổng diện tích trồng rau hiện có của gia đình lên hơn 1 mẫu. Trung bình mỗi năm, gia đình thu nhập hơn 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Những năm gần đây, cây ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, gia đình anh Nguyễn Huy Chiến, thành viên HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Pò Đứa tính ngay tới việc luân canh cây trồng để trong vườn lúc nào cũng có sản phẩm bán ra thị trường.
Anh Chiến cho biết: Khi trồng cây ngắn ngày, người nông dân không được phép cho mình thời gian rảnh rỗi mà phải thường xuyên bám đồng, bám ruộng để theo dõi sự phát triển của cây trồng, hạn chế dịch bệnh phát sinh. Với 5 sào đất nhưng thời điểm nào trong vườn của gia đình tôi cũng có rau, củ, quả… để bán ra thị trường. Nhờ cây trồng ngắn ngày, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập được trên 250 triệu đồng.
Từ nguồn thu nhập này, những năm qua, gia đình tôi đã tiết kiệm mua thêm được 3 ha đất. Diện tích đất này gia đình đã phát triển các loại cây ăn trái xen canh với cây ngắn ngày để nâng cao thu nhập.
Theo Phòng NN& PTNT TP. Lạng Sơn, trung bình mỗi năm, người dân trên địa bàn phát triển được khoảng trên 1.000 ha cây hoa màu bao gồm các loại như: khoai lang, bắp cải, cà chua, đậu ve, ớt cay… Trong bối cảnh cây công nghiệp dài ngày đang gặp khó về giá cả thì cây trồng ngắn ngày đã và đang bù đắp khó khăn cho người nông dân. Vài năm trở lại đây, tùy từng thời điểm giá cả khác nhau, 1 ha đất sản xuất cây ngắn ngày mang lại cho người dân mức thu nhập tầm 40-120 triệu đồng/vụ.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Tại tỉnh Ninh Bình, có trên 70% dân số sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Từ những tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong những năm qua, người dân Ninh Bình đã năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
HTX đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mang lại thu nhập cho thành viên. |
Đây được xem như “chìa khóa” trong công tác giảm nghèo ở địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển ổn định, bền vững.
Một số HTX đã đồng hành cùng thành viên tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây trồng, con nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, qua đó góp phần gia tăng giá trị canh tác, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Ông Bùi Văn Nam, thành viên HTX nông nghiệp Đồng Xuân Tiến xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh chia sẻ: "Gia đình tôi đã gặp không ít khó khăn khi suốt thời gian dài thâm canh cây lúa, trỉa bắp, trồng đậu… trên mảnh đất khô cằn không thuận lợi cho việc trồng cây ngắn ngày. Trước đây, quanh năm chỉ biết thâm canh cây lúa, trỉa bắp, trồng đậu… với cách làm ăn manh mún, do đó, kinh tế gia đình ông không ổn định, lúc đói, lúc no".
Từ khi địa phương phát động chủ trương về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng định hướng, sau khi nghiên cứu kỹ các điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu và khả năng của gia đình, ông quyết định đầu tư vào sản xuất theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài” để chuyển đổi từ trồng lúa, đậu, mè… sang trồng cây ngày khác như: khoai lang, bắp cải, cà rốt, khoai tây… Theo ông Nam, trung bình mỗi năm, trên 1 ha đất, gia đình ông luân canh cây trồng được 3 vụ. Tùy thuộc vào giá cả từng thời điểm khác nhau, mỗi một vụ bắp cải, khoai lang… gia đình ông có thu nhập khoảng 40-120 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Mỗi năm canh tác 3 vụ, gia đình thu nhập được khoảng 360 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Kim, Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Xuân Tiến cho biết: Các thành viên HTX cũng phải trải qua các lớp tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất nông sản an toàn từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch.
Tuyệt đối không được sử dụng thuốc hóa học, mà chỉ sử dụng thuốc sinh học và các loại phân bón hữu cơ nhằm bảo đảm chất lượng nông sản.
“Mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn cần được nhân rộng nhằm xây dựng nền nông nghiệp sạch, đưa nông sản chất lượng cao đến tay người tiêu dùng. Các thành viên HTX nông nghiệp Đồng Xuân Tiến mong muốn trong thời gian tới các cấp, các ngành tạo điều kiện hơn nữa để HTX hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, cũng như tăng khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng các chuỗi liên kết để ổn định đầu ra cho sản phẩm”, Ông Kim cho hay.
Kim Yến