Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có nhiều HTX hình thành liên kết với doanh nghiệp, nông dân hình thành cánh đồng lớn. Qua đó, hàng nghìn việc làm được tạo ra, người lao động có thu nhập bình quân 5 - 8 triệu đồng/tháng, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.
Liên kết để thành công
Điển hình là HTX Thương mại dịch vụ Sáu Nhung (xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) đã thực hiện liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất tiêu thụ hàng hóa, xuất khẩu cà phê với diện tích 300 ha, sản lượng khoảng 1000 tấn/năm, doanh thu hàng tỷ đồng.
Nhờ hoạt động ổn định, HTX tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho 32 thành viên chính thức và 81 hộ thành viên liên kết sản xuất. HTX trở thành điểm sáng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Hay như HTX Công Bằng Pô Kô, liên kết với hộ dân để tổ chức sản xuất tiêu thụ và xuất khẩu cà phê với diện tích 220 ha, sản lượng khoảng 900 tấn/năm. HTX đã hình thành được 9 tổ hợp tác sản xuất phát triển cà phê bền vững trên địa bàn huyện Đăk Hà với diện tích 1340,3 ha gồm 760 hộ dân.
Các mô hình trên được xem là 1 trong những giải pháp dồn đổi tích tụ đất để tổ chức sản xuất đồng bộ, bao gồm việc đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ mới, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Từ đó, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước, xuất khẩu đến các nước trong khu vực và thế giới.
Nhiều HTX đang phát huy tốt vai trò cầu nối liên kết doanh nghiệp và người nông dân để gia tăng giá trị sản xuất (Ảnh: Thái Bana). |
Tương tự, trong những năm qua, TP.Hà Nội cũng rất chú trọng đến mối liên kết “4 nhà” trong nông nghiệp nhằm góp phần ổn định cung - cầu thị trường trong nước, nâng cao giá trị kinh tế.
Điển hình, tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao sản xuất 200 ha rau màu, trong đó có tới 134 ha đã được cấp giấy chứng nhận an toàn. Để đảm bảo sản xuất, HTX đã liên kết với các công ty, cửa hàng thông qua các hợp đồng để cung ứng rau ra thị trường theo đơn đặt hàng.
Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX Đông Cao cho biết, những năm gần đây, Nhà nước và TP.Hà Nội luôn tạo điều kiện về các chính sách khuyến nông như nguồn nước khá ổn định hay hỗ trợ HTX liên kết theo hướng hàng hóa…
Hàng năm, HTX Đông Cao cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 20% rau củ quả các loại, còn lại là cung cấp cho các tỉnh thành khác. Hoạt động ổn định giúp HTX tạo việc làm cho hàng trăm thành viên, người lao động, với thu nhập trung bình 5 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Hình thành chuỗi giá trị
Gần đây, nhờ tận dụng các chính sách trong tích tụ ruộng đất của Nhà nước, cùng với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội, HTX Sản xuất - kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) đã xây dựng thành công chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng Khu Cháy.
Hiện, HTX đã liên kết với các HTX trong và ngoài huyện tổ chức sản xuất trên quy mô gần 300ha giống lúa Japonica và liên kết với Công ty TNHH Châu Anh xây dựng, quản lý gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo tại Hà Nội và phân phối tới đại lý lúa gạo ở các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, từ những chuỗi liên kết “4 nhà” thành công, thành phố sẽ tiếp tục nhân rộng thêm những chuỗi liên kết ở trong các lĩnh vực từ chăn nuôi đến trồng trọt, thủ công mỹ nghệ… với sự tham gia sâu rộng của nhiều thành phần kinh tế, nhất là các HTX, doanh nghiệp.
Để làm được điều này, Hà Nội sẽ chủ động các nguồn giống chất lượng cao ở cả cây trồng và vật nuôi, đồng thời tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho người dân, HTX.
Có thể thấy, phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị, hình thành liên kết “4 nhà” là phù hợp định hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung, tạo nền tảng để nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Viện AMI, mối liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Nội dung hợp đồng bao tiêu sản phẩm là hợp đồng có tính hướng dẫn, tính pháp lý không cao, không có ràng buộc hoặc đối ứng cho nên các bên dễ vi phạm hợp đồng.
Vì vậy, theo chuyên gia, để đẩy mạnh tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các chủ thể gồm: HTX, doanh nghiệp và địa phương.
Sự liên kết này giúp các HTX xây dựng quy trình sản xuất theo hướng an toàn, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết theo chuỗi gắn với tiêu thụ, tổ chức nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng cho cán bộ quản lý HTX, kỹ năng đàm phán ký kết hợp đồng... Từ đó, giúp thành viên HTX hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng, làm ra những sản phẩm theo yêu cầu với giá trị kinh tế cao hơn, thay vì sản xuất và tiêu thụ theo truyền thống bán cái mình có như trước.
Lệ Chi