Với khoảng 300.000 con cút mái hiện nay, mỗi ngày HTX dịch vụ nông nghiệp Nguyễn Hồ ở xã Long An, huyện Châu Thành xuất ra thị trường hơn 200.000 trứng. Trong đó, khoảng 50% số trứng này được chuyển sang Nhà máy đông lạnh hàng nông sản xuất khẩu Long Định (thuộc công ty CP Rau quả Tiền Giang) để đóng hộp xuất khẩu.
Thêm cơ hội tiêu thụ
Riêng với thị trường Nhật Bản, mỗi tháng HTX này đã cung cấp hơn 2 triệu quả trứng cút. Thương hiệu “Trứng cút Nguyễn Hồ” là 1 trong 18 nhóm sản phẩm chủ lực hiện nay của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Tiền Giang.
Hàng ngày, HTX dùng xe tải nhỏ để đi thu gom trứng từ các hộ thành viên về phân loại rồi xuất cho nhà máy đóng hộp trứng cút của Nhật. Sản lượng trứng xuất đạt 300.000 quả/ ngày. HTX cũng dùng máy trộn thức ăn gia cầm để phục vụ các hộ nuôi, trứng sản xuất ra phải bảo đảm sạch, đặc biệt là không sử dụng kháng sinh, thuốc tăng trọng và chất bảo quản.
Bên cạnh việc xuất khẩu, ông Trần Nguyễn Hồ - Giám đốc HTX, bày tỏ chương trình OCOP của tỉnh sẽ giúp HTX có thêm cơ hội tốt để tiêu thụ sản phẩm rộng rãi ở thị trường trong nước với việc kết nối thuận tiện trong giao dịch và chi phí rẻ hơn.
Một đặc sản OCOP khác của Tiền Giang cũng đang có tiềm lực xuất khẩu mạnh, là xoài cát Hòa Lộc. Hiện, xoài cát Hòa Lộc đã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP và được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Nga...
Vùng trồng xoài cát Hòa Lộc tập trung tại 13 xã: Hòa Hưng, An Hữu, An Thái Trung, Tân Hưng, Tân Thanh, Mỹ Lương, An Thái Đông, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông, Thiện Trí, Hòa Khánh, Hậu Thành và Mỹ Lợi A thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Trong đó, xoài cát Hòa Lộc ở xã Hòa Hưng của HTX Hòa Lộc là điển hình nhất, đã được tỉnh Tiền Giang lựa chọn để tham gia OCOP. HTX có khoảng 114 thành viên với trên 68 ha diện tích trồng xoài cát Hòa Lộc chuyên canh.
HTX đã được cấp Chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa và giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây cũng là sản phẩm trái cây đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Sản lượng xoài hàng năm vào khoảng 500 tấn.
![]() |
Trứng cút của HTX Nguyễn Hồ hiện xuất khẩu mạnh vào thị trường Nhật Bản |
Tăng khả năng cạnh tranh
Một HTX khác cũng được vinh dự tham gia chương trình OCOP của Tiền Giang chính là HTX Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công ở xã Bình Đông, thị xã Gò Công, với thương hiệu nổi tiếng “Gà ta Gò Công”.
Ông Nguyễn Quốc Kiệt - Giám đốc HTX, cho rằng đầu ra sản phẩm gà của các nông hộ hiện nay phụ thuộc vào thương lái và các công ty thu mua vì thế người chăn nuôi luôn bị ép giá. Muốn đầu ra sản phẩm gà của các nông hộ không bị ép giá thì phải tham gia vào HTX chăn nuôi theo chuỗi, để cho ra sản phẩm gà đồng đều về chất lượng và dồi dào về số lượng (một sản phẩm hàng hóa).
Theo ông Kiệt, việc chọn gà nuôi có nguồn gốc bản địa để có sản phẩm thịt gà ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Chăn nuôi theo hướng VietGAP để cho ra sản phẩm thịt gà an toàn và truy xuất được nguồn gốc, cũng như phù hợp với xu hướng hội nhập.
Ngoài ra, có thể kể đến các thương hiệu đặc sản khác của Tiền Giang đang tham gia OCOP, như: Lạp xưởng tươi Cai Lậy; bánh bún hủ tiếu Mỹ Tho, bưởi da xanh Mỹ Tho, thanh long Chợ Gạo, gạo VD20 Gò Công, làng cổ Đông Hòa Hiệp, du lịch Thới Sơn…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn, mục tiêu chung trong chương trình OCOP của tỉnh là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển HTX, DNNVV) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Hơn nữa, tỉnh sẽ tập trung xây dựng một số sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất tham gia chương trình.
Thanh Loan