Qua hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 - NQ/ TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể tỉnh Tiền Giang đã có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng; có đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Nhiều mô hình liên doanh, liên kết
Liên minh HTX tỉnh là đơn vị đầu mối sử dụng nguồn ngân sách đã tổ chức 148 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho 14.888 lượt cán bộ quản lý, chuyên môn cho cán bộ HTX; 26 lớp trung cấp kế toán cho 1.627 học viên là cán bộ, con em thành viên, người lao động trong khu vực kinh tế tập thể (KTTT); đào tạo 46 cán bộ trung cấp ngân hàng cho các quỹ TDND; 51 cán bộ dự nguồn cho chức danh giám đốc HTX và 2 cán bộ đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh.
Các sở, ngành và địa phương đã tổ chức các lớp bồi dưỡng cho hàng nghìn lượt cán bộ HTX nông nghiệp, nâng cao kỹ năng sản xuất hàng hóa, kiến thức thị trường sản phẩm nông nghiệp, phương thức canh tác theo VietGAP, GlobalGAP và hướng dẫn cụ thể đối với từng loại cây trồng, vật nuôi.
Từ năm 2013 - 2018, Liên minh HTX tỉnh, phối hợp với các sở, ngành và địa phương... hỗ trợ cho 194 lượt HTX tham dự các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; tạo điều kiện cho hơn 100 HTX tham gia trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm của HTX tại Tp.HCM và Hà Nội.
Liên minh HTX tỉnh đã ký Chương trình phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở KH&CN và các cơ quan liên quan nhằm hỗ trợ khu vực KTTT liên kết ứng dụng KH-CN và thúc đẩy chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn giai đoạn 2017 - 2020. Cụ thể như hỗ trợ HTX Bình Tây, HTX Hậu Mỹ Trinh, HTX Thanh Long Mỹ Tịnh An mở website đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, dự án cạnh tranh nông nghiệp hỗ trợ xây dựng nhà kho, lò sấy lúa, trang bị máy gặt đập liên hợp…; hỗ trợ cho HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, HTX Lúa Mỹ Thành, HTX xoài Cát Hòa Lộc… xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Hiện nay, các sản phẩm trái cây, lúa gạo đặc sản của tỉnh đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa như: Xoài Cát Hòa Lộc, Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, Lúa gạo Mỹ Thành, Thanh long Chợ Gạo, Khóm Tân Phước, Sầu riêng Ngũ Hiệp, Bưởi Long Cổ Cò.
Các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã tăng dần về số lượng và chất lượng, hoạt động ổn định, tài sản, vốn được bảo toàn và có lãi, bộ máy quản lý gọn nhẹ, hoạt động có nhiều đổi mới, xác định rõ tư cách thành viên, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tài chính được công khai, thu hút được nhiều hộ nông dân tham gia.
![]() |
Sản xuất rau an toàn ở HTX Rau an toàn Gò Công |
Tích cực giải quyết các vấn đề xã hội
Đồng thời, xuất hiện nhiều mô hình liên doanh, liên kết kinh tế giữa các HTX với các DN, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế. Một số HTX đã thành lập DN và một số doanh nghiệp là thành viên của HTX. Nhiều HTX thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Các HTX tiểu thủ công nghiệp từ chỗ xuất khẩu hàng hóa qua trung gian đến nay đã trực tiếp xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada…
Các HTX giao thông vận tải, ngoài việc vận chuyển hàng hóa, hành khách đường thủy, đường bộ còn mở thêm các ngành nghề như đóng mới sửa chữa tàu, xà lan, thi công các công trình giao thông nông thôn, công trình dân dụng, liên kết mở các lớp thi, cấp bằng lái xe, mở xưởng cơ khí để phục vụ cho thành viên, điển hình như HTX Rạch Gầm, HTX Tân Phước, HTX GTVT Gò Công…
Lĩnh vực quỹ TDND hoạt động ổn định và có hiệu quả nhất, cán bộ được chuẩn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ không ngừng được nâng cao, thành viên không ngừng tăng lên, tỷ lệ vốn huy động trong thành viên tăng đều qua các năm, đã giúp cho thành viên có nguồn vốn vay sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Các HTX đã có những đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GRDP chung của tỉnh, hoạt động của các HTX thực sự có tác động thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết, hợp tác giữa các hộ thành viên trong HTX và thành viên với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa khác, góp phần tăng sản lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản.
Các HTX thông qua tổ chức và hoạt động của mình đã huy động có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong nông nghiệp nông thôn.
Về xã hội, với tính chất là tổ chức kinh tế xã hội, các HTX đã tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề xã hội như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Các HTX còn là nơi giáo dục ý thức cộng đồng, đề cao giá trị văn hóa, đạo đức, phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau cùng làm giàu, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các HTX còn thể hiện rõ vai trò tích cực của mình trong việc góp phần ổn định chính trị, giữ gìn trật tự an ninh, quốc phòng, tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở…
Theo kế hoạch, Tiền Giang phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 200 HTX, tất cả các xã trên địa bàn tỉnh đều có HTX, có trên 80% cán bộ chủ chốt của HTX được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, trên 80% HTX đạt khá, giỏi, không có HTX yếu kém.
Hồng Nhật