Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện Cai Lậy tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, trợ vốn, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, quy hoạch vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, từ đó làm nền tảng phát triển và hoàn thiện các tiêu chí trong chương trình nông thôn mới.
Phát triển vùng chuyên canh
Với diện tích trồng lúa ở các xã phía Bắc Quốc lộ 1, huyện triển khai các mô hình "Cánh đồng lớn", Dự án VnSAT, xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025… Các xã phía Nam Quốc lộ 1 mở rộng diện tích vườn chuyên canh cây ăn trái 15.000ha, trong đó có khoảng 9.000ha chuyên canh sầu riêng, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 47 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so với khởi điểm năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,64%.
Điển hình là mô hình sản xuất sầu riêng của HTX Ngũ Hiệp. Từ diện tích chuyên canh đầu tiên tại xã cù lao Ngũ Hiệp từ năm 1991, HTX đã tiến hành cải tạo giống phù hợp với nhu cầu thị trường, cùng với việc ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã và đang tạo ra sự chuyển biến tích cực về số lượng lẫn chất lượng. Hiện, thành viên HTX biết áp dụng các kỹ thuật trên cây sầu riêng hạt lép cho trái nghịch vụ theo chuẩn VietGAP, từ đó tăng thu nhập đáng kể cho nông dân.
![]() |
HTX Ngũ Hiệp phát triển vùng chuyên canh sầu riêng |
Hiện, sầu riêng được thành viên HTX rải khắp các vụ trong năm, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng.
Trong khi đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long phát triển cây vú sữa theo hướng hàng hóa. HTX đã quy hoạch vùng chuyên canh với diện tích trên 14,4ha và ký kết hợp đồng cung ứng vú sữa cho công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường và công ty Đại Lâm Mộc. Hiện nay, thông qua doanh nghiệp, sản phẩm của HTX đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, thành viên HTX đã có thể an tâm đầu tư sản xuất.
Ông Lê Văn Mong, thành viên HTX, cho biết ông tự tin với sản phẩm của mình vì được hướng dẫn làm theo quy trình an toàn, vườn cây được chăm sóc kỹ, trái cây bán được giá hơn. Thời điểm cây vú sữa không còn là lợi thế trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương, các thành viên HTX vẫn duy trì diện tích vườn cây vì ưu điểm của loại cây trồng này là năng suất cao, dễ chăm sóc, phù hợp với thổ nhưỡng.
Nhờ ưu đãi về thổ nhưỡng và khí hậu, diện tích cây ăn trái của huyện Cai Lậy không ngừng được mở rộng theo hướng chuyên canh "đất nào, cây ấy", tạo thành vùng cây trái trù phú cho thu hoạch quanh năm.
Để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, huyện Cai Lậy xác định mục tiêu quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến nay, toàn huyện đã thành lập 6 HTX nông nghiệp, liên kết nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, từng bước cải thiện và nâng cao thu nhập cho thành viên.
Với mục tiêu hoàn thành nông thôn mới đến năm 2020, các xã phía Nam Quốc lộ 1 của huyện sẽ tiếp tục phát triển diện tích sầu riêng 9.000ha, mở rộng hơn 700ha vườn chuyên canh chôm chôm, nhãn, vú sữa..., trong đó sẽ áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP đối với 3.000ha chuyên canh sầu riêng và 350ha nhãn, chôm chôm... với sự dẫn dắt của các HTX để hình thành chuỗi, thu hút doanh nghiệp.
Việc quy hoạch và phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao được kỳ vọng sẽ đem lại thay đổi tích cực cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương, tăng thu nhập cho nông dân, phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững, thúc đẩy nông thôn mới.
Huy động các nguồn lực
Xác định chủ trương xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa quan trọng, huyện Cai Lậy chú trọng tuyên truyền và huy động mọi nguồn vốn để đầu tư. Giai đoạn 2010 - 2019, tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên 3.000 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 1.700 tỷ đồng - minh chứng cho thành công từ những chủ trương, chính sách hợp lòng dân. Điển hình với tiêu chí giao thông và thủy lợi, người dân trên địa bàn huyện đã hiến đất, đóng góp kinh phí trên 340 tỷ đồng hoàn thiện gần 500 công trình phục vụ sản xuất, lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2022, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và ra mắt huyện nông thôn mới vào năm 2023, huyện tăng cường sự lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân, gắn kết Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đồng thời, huyện huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng nông thôn, ưu tiên đầu tư phát triển giao thông, thủy lợi, điện, trường học… tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, tăng thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Huyền Trang