Hưởng ứng phong trào thanh niên khởi nghiệp, thời gian gần đây trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã xuất hiện nhiều thanh niên dám nghĩ, dám làm. Với sức trẻ và ý chí quyết tâm, họ đã vươn lên từ hai bàn tay trắng, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Trong số đó, Dương Quang Phú là một tấm gương tiêu biểu mạnh dạn sáng lập HTX Chè Sáo Thịnh, tích cực phát triển kinh tế với những thuận lợi và không ít thử thách.
Làm giàu từ những gì thân thuộc
Kể về con đường lập nghiệp của mình, anh Phú cho biết: Ngã rẽ quan trọng nhất trên con đường khẳng định bản thân khởi nguồn từ truyền thống làm chè lâu năm của gia đình và cái nhìn tinh ý về sự trù phú của quê hương.
Trước khi quyết định thành lập HTX chè, anh Phú đã có quãng thời gian 3 năm đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Tuy nhiên, với mong muốn góp sức mình xây dựng quê hương đã thôi thúc Phú trở về, với ước mơ làm giàu từ chính những gì thân thuộc nhất với mình.
Xóm Trại Cài của anh Phú vốn là vùng có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho việc trồng chè. Người dân ở đây lại có kinh nghiệm trong việc chăm sóc nên cây chè phát triển rất tốt, cho sản lượng cao. Bởi vậy, khi quyết định thành lập HTX, anh Phú được sự ủng hộ và hậu thuẫn từ gia đình.
HTX ra đời đã liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trên địa bàn, tạo chuỗi sản xuất khép kín, tiến tới xây dựng thương hiệu chè an toàn đưa đến người tiêu dùng. Đồng thời, qua đó còn giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên và người lao động; hỗ trợ thành viên phát triển ngành nghề, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên.
Với số vốn điều lệ 800 triệu đồng, HTX tập trung phát triển các ngành nghề kinh doanh như sản xuất, chế biến, đóng gói, bảo quản chè. Để hoạt động hiệu quả và ổn định, HTX đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất giữa các thành viên từ khi trồng, thu hái đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát chặt chẽ quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ dịch bệnh nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng chè búp tươi.
HTX tạo việc làm cho 8 lao động với mức thu nhập 7,5 triệu đồng/tháng |
Hướng đi đúng
Hiện nay, quy mô sản xuất của HTX gồm 2 xưởng sản xuất rộng trên 500 m2, được đầu tư công nghệ chế biến theo dây chuyền hiện đại với năng suất khoảng 1.500 kg chè búp tươi mỗi ngày, giải quyết được việc làm cho 8 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm của HTX mang hương vị rất đặc trưng của vùng chè Trại Cài, có vị đặc biệt riêng với hương cốm, nước sánh vàng mật ong, uống vào có độ chát vừa phải, ngọt về sau. Để làm ra những sản phẩm như vậy, mỗi thành viên trong HTX đều phải áp dụng khoa học kỹ thuật, tuân thủ theo quy trình sản xuất khá nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, chế biến.
Theo đó, các thành viên HTX đều xây bể hoặc đào hố rải bạt để ủ phân chuồng, ủ các phế phụ phẩm nông nghiệp và sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bón cho chè. Đồng thời, tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và thảo mộc phun trừ sâu cho chè, khi thu hoạch không để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ thời điểm thu hái.
Không chỉ năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, anh Phú còn được biết đến là một Đoàn viên, ủy viên Ban chấp hành Đoàn xã nhiệt tình, năng nổ. Anh luôn nhiệt tình chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu của bản thân cho đoàn viên thanh niên địa phương.
Nhận xét về mô hình HTX chè của anh Phú, ông Đặng Văn Lâm - Bí thư Đoàn thanh niên xã Minh Lập, khẳng định: Mô hình phát triển kinh tế của anh Dương Quang Phú bước đầu đã đem lại nguồn thu ổn định, cho thấy hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế. Từ mô hình của anh Phú, một số đoàn viên thanh niên trong xã cũng đang tham khảo, học hỏi để áp dụng vào gia đình mình.
“Để tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên vươn lên phát triển kinh tế gia đình, thời gian tới, Đoàn Thanh niên xã sẽ phối hợp với các hội đoàn thể của xã; các phòng, ban có liên quan của huyện tổ chức thêm các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; thành lập câu lạc bộ thanh niên liên kết giúp nhau làm kinh tế, kết hợp đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn xã. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc để thanh niên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương”, ông Lâm cho biết thêm.
Hoàng Lê