Được thành lập từ cuối năm 2017, các thành viên HTX Thủy Thuật gặp không ít khó khăn. Nhưng vì Thái Nguyên là tỉnh phát triển rất mạnh mô hình HTX trồng và sản xuất chè, nên HTX đã có điều kiện học hỏi và liên kết để hoàn thiện và phát triển những sản phẩm vì quyền lợi khách hàng và bảo vệ môi trường.
Áp dụng mô hình mới
Không phải tự nhiên các sản phẩm của HTX sản xuất lại có chất lượng hơn hẳn với các hộ đơn lẻ. Đó là cả một quá trình để vận động người dân sản xuất theo mô hình HTX kiểu mới, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Khi tham gia HTX, người dân đã được cung cấp các dịch vụ đầu vào, khoa học kỹ thuật và hỗ trợ đầu ra. Trên cơ sở đó, toàn bộ 5 ha chè của HTX được sản xuất đồng bộ theo tiêu chuẩn VietGAP và UTZ.
2 ha chè cũ của HTX được thay thế bằng giống chè lai LDP1 và chè Trung du |
HTX đã mời các chuyên gia về tận nơi “cầm tay chỉ việc” cho các thành viên và người dân. Chính vì vậy, mọi người đều nắm rõ và thực hiện nghiêm túc quy trình trồng, chế biến chè theo tiêu chuẩn sản xuất.
Không hóa chất độc hại, sử dụng nguồn nước sạch, bón phân đúng liều lượng, đúng thời gian là những yêu cầu bắt buộc của HTX đối với các thành viên và người dân trồng chè nhằm cung ứng nguồn nguyên liệu chè đầu vào của HTX luôn đạt được chất lượng cao, bảo đảm các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không phải là HTX đầu tiên trên địa bàn sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt nhưng nhờ sự tích cực, năng động và tinh thần ham học hỏi, diện tích chè của HTX đã được cải tạo, trồng những giống mới. Điển hình là 2 ha chè cũ của HTX được thay thế bằng giống chè lai LDP1 và chè Trung du. HTX cũng đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm với tổng giá trị đầu tư là 3 tỷ đồng để tiết giảm công lao động, sử dụng nước hợp lý trên các đồi chè.
Do chỉ có vùng chè 5 ha nên HTX không đủ khả năng đáp ứng hàng hóa cho các khách hàng tiềm năng. Ngoài việc tuyên truyền, tư vấn, khuyến khích các hộ gia đình thành viên mở rộng diện tích, HTX còn liên kết với Tổ hợp tác chè xóm Lai Thành, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu lên 20 ha, bảo đảm chè nguyên liệu để cung cấp cho những đơn hàng lớn.
Sản xuất nông nghiệp hàng hóa
HTX cũng tích cực đầu tư máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng theo mô hình khép kín, tự động hóa lên đến 80% các công đoạn sản xuất chè. Các loại máy vò chè, sao chè, máy sấy, máy sàng… hoạt động bằng điện được thay thế cho máy bằng củi nhằm tiết kiệm công lao động và giảm ô nhiễm môi trường.
HTX cũng tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong khâu sản xuất và chế biến theo phương thức khép kín. Dây chuyền chế biến chè hiện đại của HTX có thể chế biến 3 tấn chè búp tươi/ngày.
Vào thời điểm chính vụ, ngoài lượng chè HTX sản xuất được, mỗi tháng HTX thu mua trên dưới 150 tấn chè búp tươi của người dân địa phương và các xã lân cận. Lượng chè bảo đảm chất lượng của người dân sản xuất đến đâu, đều được HTX tiêu thụ đến đó.
Hiện, sản phẩm chính của HTX gồm 4 loại, là nhất tâm trà, chè tôm móc câu, chè đinh, chè thượng hạng. Thị trường tiêu thụ của HTX gồm ở trong và ngoài tỉnh, như: Hà Nội, Phú Thọ, Hải Phòng, Tp.HCM và cả thị trường Đài Loan (Trung Quốc). HTX cũng tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ… để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Để có được những kết quả như ngày hôm nay một phần là do tỉnh đã áp dụng các chính sách ưu đãi đối với HTX, sự hỗ trợ của Liên minh HTX xã tỉnh, các tổ chức, các chương trình dự án trong và ngoài tỉnh cũng đã tạo thêm động lực thúc đẩy HTX phát triển.
Dù “sinh sau, đẻ muộn”, nhưng với những gì HTX Thủy Thuật đang làm đã khẳng định HTX là một trong những đơn vị kinh tế hợp tác điển hình của tỉnh Thái Nguyên, khi có những đóng góp nhất định trong việc tăng cường các mối liên doanh liên kết giữa các HTX với các tổ chức kinh tế, góp phần tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn theo hướng bền vững.
Hoàng Lê