Xã Phú Lạc nằm ngay sát chân núi Chúa, nơi có khí hậu mát mẻ, chất đất tốt và nguồn nước tưới thuận lợi nên chất lượng chè nơi đây luôn được đánh giá cao. Tuy nhiên, giá bán chè của bà con lại chỉ tương đương hoặc cao hơn chút ít so với các vùng chè khác của xã.
Nguyên nhân là do sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu và đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn. Vì thế, HTX chè Sơn Thành ra đời (tháng 9/2011) đã từng bước khắc phục những hạn chế đó.
Trồng chè VietGAP
Trước đây, người dân canh tác chè bằng những giống truyền thống, kỹ thuật chăm sóc, sản xuất lạc hậu nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đề án phát triển cây chè, chú trọng mở rộng diện tích tại huyện Đại Từ. Theo đó, người nông dân được hỗ trợ các giống chè mới, tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, nâng cao kỹ năng chế biến, bảo quản nông sản theo tiêu chuẩn chè an toàn VietGAP thông qua HTX nên năng suất ngày càng tăng, giá trị kinh tế mang lại lớn.
Mô hình sản xuất chè của HTX giúp người dân nâng cao ý thức để tạo ra sản phẩm an toàn và xây dựng thương hiệu. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật cũng giúp giảm chi phí, tạo ra vùng chè nguyên liệu có chất lượng. HTX đã xây dựng nguyên tắc nhất quán về quy trình chăm sóc, chế biến và bảo quản sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, các gia đình thành viên chịu trách nhiệm chất lượng và mức độ an toàn của sản phẩm, HTX lo khâu tiêu thụ với giá thu mua luôn cao hơn thị trường.
HTX đang có vùng nguyên liệu rộng trên 5 ha |
Sau gần 8 năm, HTX đang có vùng nguyên liệu rộng trên 5 ha, toàn bộ được áp dụng quy trình sản xuất an toàn, với các giống chè Trung du và các loại chè cành có năng suất, chất lượng cao như LDP1, TRI 777, keo am tích...
Nhờ hoạt động hiệu quả, trung bình mỗi năm, HTX thu hoạch trên 10 tấn chè búp khô các loại, trong đó lượng chè của các hộ thành viên chiếm xấp xỉ 60%, còn lại là của các hộ dân liên kết, đem lại tổng doanh thu bình quân 5 - 6 tỷ đồng.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa, HTX Sơn Thành đang thực hiện liên kết với 12 hộ dân trên địa bàn để phát triển vùng trồng chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bà La Thị Tâm - Giám đốc HTX, chia sẻ: “Sau khi tạo ra được sản phẩm an toàn, chất lượng, HTX tập trung vào quảng bá, nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm, nhằm gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho thành viên”.
Chinh phục thị trường khó tính
Đến nay, thương hiệu chè an toàn Sơn Thành đã có mặt tại hầu khắp các liên hoan trà, hội chợ thương mại và đã xây dựng được đại lý ở nhiều tỉnh, đáp ứng nhu cầu thưởng trà của người tiêu dùng trong nước. Đây có thể coi là những hạt nhân ở các địa phương rồi từ đó từng bước mở rộng, giúp người dân dần thay đổi phương thức sản xuất chè riêng lẻ, truyền thống.
Chè trước đây sống bằng phân bón hóa học và hết bệnh bằng thuốc bảo vệ thực vật các loại. Chè VietGAP sử dụng nhiều phân xanh, phân chuồng nên cây rất khỏe, hạn chế được nhiều loại sâu bệnh gây hại. Vì thế, việc phun thuốc bảo vệ thực vật được giảm thiểu khiến người làm chè phấn khích và nêu cao tinh thần tự giác thực hiện, nỗ lực gìn giữ danh tiếng chè an toàn.
Ngoài quy trình sản xuất an toàn, khoa học, HTX chè an toàn Sơn Thành cũng có dây chuyền sản xuất hiện đại với đầy đủ hệ thống sao chè, máy ủ hương, máy hút chân không, đóng gói… Nhờ vậy toàn bộ các dòng sản phẩm của HTX đều được chứng nhận an toàn bởi các cơ quan quản lý nhà nước và nhận được sự tin yêu của người thưởng trà qua các hội chợ thương mại trên toàn quốc.
Sản phẩm chè VietGAP Sơn Thành được tiêu thụ nhanh với sản lượng khá lớn trên thị trường đã giúp cho Ban quản trị HTX mạnh dạn đầu tư, tiếp tục mở rộng diện tích chè giống mới, thu mua chè của thành viên để tiêu thụ.
Với mục tiêu đưa cây chè trở thành cây hàng hóa, HTX Chè Sơn Thành đã xây dựng chuỗi giá trị, phát triển sản xuất an toàn, nâng tầm thương hiệu để hướng tới chinh phục các thị trường khó tính.
Hoàng Lê