Thực tế, quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Thái Bình tự hào nằm trong tốp đầu cả nước về đích sớm khi 100% số xã đạt chuẩn NTM, 7/7 huyện đạt chuẩn NTM, TP.Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tiếp tục triển khai xây dựng NTM nâng cao, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Thái Bình đã có 20 xã hoàn thành 11/11 tiêu chí NTM nâng cao, trong đó 15 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Phấn đấu 20% số xã đạt NTM nâng cao
Theo ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần đoàn kết, sáng tạo của nhân dân, công tác xây dựng NTM, NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh đạt nhiều thành tựu quan trọng.
HTX đóng vai trò 'bà đỡ' cho nông dân, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh quyết tâm phấn đấu đến 2025 có trên 20% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 10% số xã trở lên đạt NTM kiểu mẫu. Tạo đột phá trong nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Để đạt được những kết quả trên, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế ở các địa phương cực kỳ quan trọng. Đơn cử, từ một HTX hoạt động theo kiểu cũ, kém năng động trong phát triển các loại dịch vụ, trong quá trình xây dựng NTM, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đã sáng tạo, chuyển đổi mạnh mẽ sang hình thức tổ chức sản xuất mới bền vững hơn, hiệu quả hơn trong đó lấy liên kết theo chuỗi giá trị làm nòng cốt. Đây cũng là HTX điển hình của tỉnh Thái Bình tích cực đổi mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định (huyện Kiến Xương) cho biết, với vai trò là "bà đỡ" cho nông dân, HTX đã đứng ra ký hợp đồng với doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra cho nông sản, nông dân lựa chọn phương thức sản xuất, thỏa thuận giá cả với doanh nghiệp. Năng suất lúa cả năm đạt 135,2 tạ/ha, tổng sản lượng lúa đạt 7.435 tấn, đạt giá trị trên 80 tỷ đồng. Hiện HTX cung cấp thường xuyên 14 dịch vụ phục vụ các hộ thành viên, cao hơn mức trung bình toàn tỉnh.
Ông Bùi Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND xã Bình Định cho biết, nhờ vai trò dẫn dắt, HTX đã trở thành cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, từ đó phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Từ 1 địa phương xuất phát điểm thấp, trước xây dựng NTM chỉ đạt 9/19 tiêu chí, xã Bình Định đã nỗ lực bứt phá về đích NTM năm 2013, đến nay xã đã đạt 11/11 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất
Không chỉ ở xã Bình Định mà nhiều xã ở tỉnh Thái Bình hiện nay có các mô hình HTX được đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh cho hiệu quả cao như mô hình Liên hiệp HTX nông dược với 4 HTX thành viên gắn kết, mô hình khép kín từ khâu trồng đến sơ chế, chiết xuất, chế biến, đóng gói hình thành nên chuỗi sản phẩm; mô hình xây dựng và quản lý thương hiệu tập thể "Mắm cáy Hồng Tiến" của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ thủy sản Hồng Tiến.
Theo thống kê, tỉnh Thái Bình hiện có trên 331 HTX nông nghiệp; bình quân mỗi HTX thực hiện từ 4-5 dịch vụ phục vụ thành viên. Doanh thu bình quân mỗi HTX đạt 1,55 tỷ đồng/năm; trong đó có 12 HTX đạt doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm, 28 HTX doanh thu đạt từ 2-3 tỷ đồng/năm, 161 HTX doanh thu từ 1-2 tỷ đồng/năm…
Thời gian tới, tỉnh Thái Bình sẽ xây dựng các HTX, Liên hiệp HTX gắn với sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh về sản lượng, chất lượng, giá trị xuất khẩu lớn, phát triển bám theo chuỗi giá trị của từng ngành hàng, sản phẩm, từ đó sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao, có thương hiệu, phục vụ mục đích xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản.
Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình cho biết, hơn 32 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ cho việc hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại tỉnh Thái Bình trong thời gian từ nay đến năm 2025. Theo đó, có 3 HTX được lựa chọn tham gia mô hình này gồm: HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Điệp Nông (huyện Hưng Hà); HTX Sản xuất kinh doanh, Dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định và HTX Dệt đũi Nam Cao (huyện Kiến Xương).
Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình cho hay, 3 HTX được lựa chọn đều là những “điểm sáng” của tỉnh về làm ăn hiệu quả, bài bản, có tư duy đổi mới, nhất là trong tích tụ ruộng đất và đưa nhanh tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào hoạt động sản xuất.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, 3 HTX thực hiện thí điểm mô hình được đầu tư, hỗ trợ đồng bộ tất cả các khâu trong sản xuất, hình thành vùng sản xuất khép kín theo hướng cơ giới hóa. Ngoài ra, cấp mã vùng trồng, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, sử dụng phần mềm quản lý đồng ruộng…
Việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới nhằm mục tiêu cung cấp cơ sở thực tiễn về hoạt động hiệu quả của mô hình, góp phần thực hiện thành công đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng các mô hình HTX kiểu mẫu nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, liên kết với HTX, từ đó đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng NTM ở địa phương.
Lan Anh