Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có 21 xã/96 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt 97% (tăng 28,36% so với năm 2008); tỷ lệ số hộ dân sử dụng điện đạt hơn 97%. 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, với quy mô đạt từ giao thông nông thôn loại B trở lên
Nâng thu nhập cho người dân
Như ở xã Cẩm Giàng (Bạch Thông), đến nay đã đạt 13/17 tiêu chí, các tiêu chí chưa đạt gồm: Tiêu chí số 8 về Thu nhập; tiêu chí số 9 về Hộ nghèo; tiêu chí số 11 về Tổ chức sản xuất; tiêu chí số 15 về Môi trường.
Xác định xây dựng nông thôn mới nâng cao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2022 và xuyên suốt nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tập trung dồn sức thực hiện các tiêu chí, thực hiện vệ sinh môi trường thông thoáng, sạch đẹp, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gia đình, từng bước nâng cao thu nhập và giảm nghèo.
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thu nhập của người dân nông thôn ở Bắc Kạn đã thay đổi từng ngày. |
Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân của Cẩm Giàng đạt 37 triệu đồng/người/năm, vẫn thấp hơn tiêu chuẩn đối với xã nông thôn mới nâng cao 10 triệu đồng. Do vậy, bắt đầu từ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, xã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất, dự án sản xuất như mô hình trồng lúa theo phương pháp cải tiến, trồng các loại rau xanh vụ đông, thực hiện mô hình chăn nuôi gà, mô hình nuôi vịt cổ xanh, mô hình chăn nuôi cá...; khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh lĩnh vực phi nông nghiệp; tạo điều kiện cho con em đi lao động tại các cơ sở sản xuất trong xã và các khu công nghiệp. Ngoài ra, xã còn hỗ trợ cho 30 hộ nghèo phát triển chăn nuôi lợn nái bản địa với kinh phí 207 triệu đồng, phấn đấu mục tiêu giảm hộ nghèo từ 11% năm 2021 xuống 6% vào cuối năm 2022.
Còn tại huyện chợ Mới, năm 2022, huyện đặt mục tiêu tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu đưa xã Nông Hạ đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, tiếp tục duy trì 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bao gồm: Bình Văn, Như Cố, Thanh Thịnh. Các xã còn lại phấn đấu hoàn thành thêm ít nhất 1 tiêu chí so với năm 2021. Trung bình các xã đạt 14,5 tiêu chí.
Để thực hiện được mục tiêu này, huyện Chợ Mới đã chỉ đạo các xã chủ động vào cuộc quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về xây dựng nông thôn mới, thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình điển hình, cách làm hay tại cơ sở để trao đổi vận dụng thực tế; nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành nhất là người đứng đầu tại cơ sở, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cả hệ thống chính trị tham gia tích cực thực hiện chương trình nông thôn mới.
Kinh tế tập thể làm “đòn bẩy”
Ở Bắc Kạn, nói đến thành công của NTM không thể không nhắc tới vai trò của khu vực KTTT, nòng cốt là các HTX. Nhiều năm nay, khu vực này đã trở thành “đòn bẩy” quan trọng để kinh tế nông thôn Bắc Kạn phát triển, mang lại thu nhập cho người dân.
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng số HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là 304 HTX với 2.599 thành viên, tổng vốn điều lệ 318 tỷ đồng, tăng 41,43% so với năm 2020; thu nhập bình quân các thành viên HTX đạt 54 triệu đồng/người/năm.
Mô hình các HTX sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản đã có bước phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều lựa chọn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, các HTX sản xuất, chế biến nông sản theo chuỗi như HTX nông nghiệp Tân Thành, sản xuất tinh bột nghệ; HTX Tài Hoan; HTX chè Mỹ Phương, sản phẩm chè an toàn; HTX nông nghiệp Dương Phong trồng cây ăn quả; HTX dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang, sản phẩm là nấm ăn các loại; HTX Trần Phú, sản phẩm là gà, lợn sạch...
Chẳng hạn, HTX Nông nghiệp Tân Thành được thành lập năm 2017 với ngành nghề chính là chế biến nông sản. Sản phẩm chủ yếu của HTX là tinh bột nghệ nếp đen, tinh bột nghệ nếp đỏ, nghệ sấy lát…
Đến nay, HTX đã có 16 sản phẩm chế biến từ nghệ, trong đó có 2 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh xếp hạng 4 sao là tinh bột nghệ nếp đỏ cao cấp và tinh bột nghệ nếp đen cao cấp. Đây cũng là 2 sản phẩm của HTX được công nhận là Sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2020, riêng sản phẩm tinh bột nghệ nếp đỏ cao cấp còn đạt thêm Thương hiệu nông nghiệp vàng Việt Nam.
Còn HTX dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang lại tập trung đầu tư cơ sở vật chất, dây chuyền máy móc để trồng và chế biến các sản phẩm nông sản như: Nấm sò tươi, nấm mộc nhĩ, nấm hương tươi, khô... Đồng thời, phát triển các mặt hàng này trở thành sản phẩm OCOP.
Chị Lường Thị Giang- Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hợp Giang cho biết: Hiện nay, sản phẩm nấm của HTX đã có mặt tại hầu hết các chợ đầu mối và các quán ăn trên địa bàn tỉnh, tiêu thụ nhiều nhất tại thị trường huyện Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn. Nấm, bịch phôi nấm xuất bán tại thị trường trong và ngoài tỉnh như: Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái… Sản lượng bán bình quân 200kg/ngày, phôi nấm từ 20.000 bịch/tháng. HTX bước đầu xây dựng hệ thống liên kết với 02 cơ sở nuôi trồng nấm tại huyện Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn bằng hình thức chuyển giao công nghệ sản xuất, tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ thị trường và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Kạn đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để về đích NTM. Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2022 theo kế hoạch, UBND tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp.
Ông Dương Văn Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Theo kế hoạch, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu năm 2022 số xã đạt chuẩn NTM tăng thêm 9 xã, bao gồm 8 xã trong lộ trình về đích NTM năm 2022: Bằng Vân (Ngân Sơn); Côn Minh, Trần Phú (Na Rì); Nông Hạ (Chợ Mới); Mỹ Phương (Ba Bể); Tân Tú (Bạch Thông); Ngọc Phái, Quảng Bạch (Chợ Đồn) và Bộc Bố (Pác Nặm). Phấn đấu tăng thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có thêm 60 thôn đạt chuẩn thôn NTM.
Gia Anh