Xác định phát triển các cây trồng chủ lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, Phú Thọ đã tập trung lập quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất tập trung.
Hình thành thương hiệu Chè Phú Thọ
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, Phú Thọ có 16 nghìn ha trồng chè, năng suất chè đạt 117,6 tạ/ha, sản lượng 184,5 nghìn tấn/năm.
Phát triển các cây trồng chủ lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững. |
Tỷ lệ diện tích các giống chè mới đạt 75,3%, trong đó cơ cấu giống phục vụ chế biến chè xanh khoảng 30%. Cây chè được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Yên Lập, Phù Ninh... Sản phẩm chè của Phú Thọ đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đức, Mỹ, Hà Lan…
Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ luôn chú trọng ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất chè, quy hoạch, xây dựng vùng chè an toàn. Toàn tỉnh hiện có 3,98 nghìn ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn, 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày, 1.281 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ, 15 làng nghề và 8 HTX sản xuất, chế biến chè.
“Một số sản phẩm chè đã được truy suất nguồn gốc như: Chè Bảo Long, chè Hà Trang, chè Phú Hộ, chè Chùa Tà, chè Yên Kỳ, chè Phú Thịnh, chè Hoàng Văn, chè Long Cốc… và đang trở thành cây chủ lực, đem lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng NTM địa phương”, ông Tuấn chia sẻ.
Tại thị xã Phú Thọ, HTX chè Phú Thịnh, xã Phú Hộ là một trong những điển hình về phát triển và xây dựng thương hiệu chè. Ðến nay, HTX đã quy hoạch được vùng sản xuất chè tập trung với diện tích hơn 22 ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 500 tấn chè búp tươi, cung ứng ra thị trường hơn 50 tấn chè xanh thương phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc HTX Chè Phú Thịnh chia sẻ: Trước đây, người dân sản xuất chè tự phát, giống cũ, sản phẩm bán cho các thương lái với giá thấp, chỉ khoảng hơn 100 nghìn đồng/kg.
Ðến năm 2017, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành trong tỉnh, HTX Chè Phú Thịnh được thành lập với 13 thành viên.
Ðến nay, HTX đã quy hoạch được vùng sản xuất chè tập trung với diện tích hơn 22ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 500 tấn chè búp tươi, cung ứng ra thị trường hơn 50 tấn chè xanh thương phẩm.
Sản phẩm chè xanh của HTX Chè Phú Thịnh đã có chỗ đứng trên thị trường, thu nhập của các thành viên được nâng lên. Người dân đã coi chè là cây mũi nhọn, cây xóa đói, giảm nghèo, từ đó tạo thu nhập ổn định góp phần xây dựng NTM.
Ông Lê Phú Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phú Thọ đánh giá, thị xã Phú Thọ đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM và đang hướng đến các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, trong đó tập trung đưa cơ giới hóa vào sản xuất theo hướng an toàn giúp phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần tạo ra các vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…, đồng thời tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho một số sản phẩm thế mạnh của địa phương. Đặc biệt là xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với cây trồng chủ lực địa phương, nhằm nâng cao thu nhập, tạo việc làm.
Xây dựng NTM bền vững
Để các cây trồng chủ lực của tỉnh phát triển, trên cơ sở quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp thủy sản, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất làm cơ sở, định hướng quan trọng và tạo động lực thúc đẩy sản xuất; xây dựng kế hoạch sản xuất hằng vụ, hằng năm các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, kế hoạch xây dựng hàng hóa chủ lực...
Phong trào xây dựng NTM ở Phú Thọ đã mang lại diện mạo mới cho nông thôn. |
Trên cơ sở đó xác định rõ thế mạnh của từng vùng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thu hút các HTX đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Ngoài ra, để các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh cất cánh, vươn ra thị trường ngoại tỉnh và hướng đến xuất khẩu, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản được tỉnh đặc biệt chú trọng.
Tỉnh hiện có trên 10 sản phẩm, nhóm sản phẩm nông nghiệp đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, điển hình như: Bưởi Đoan Hùng, chè xanh Chùa Tà, mỳ gạo Hùng Lô, lúa nếp gà gáy Mỹ Lung... Hiện nay, một số dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể đã được triển khai như: Rau an toàn Tân Đức, rau an toàn Phú Lợi,…
Một số sản phẩm của tỉnh như bưởi Đoan Hùng, rau an toàn Tứ Xã được dán tem truy xuất nguồn gốc góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu nông sản.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Phú Thọ, năm 2021, toàn tỉnh có thêm 19 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (vượt 10 xã so kế hoạch), trong đó có 1 xã đạt NTM nâng cao.
Đến nay, toàn tỉnh có 114 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 15,9 tiêu chí/xã, 1.282 khu dân cư đạt chuẩn NTM (trong đó có 10 khu dân cư NTM kiểu mẫu). Nhờ đẩy mạnh các HTX gắn với cây trồng chủ lực trong phong trào xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng phát triển, kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, mang lại diện mạo mới cho nông thôn.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ đánh giá, việc định hướng phát triển cây trồng chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, góp phần tăng giá trị sản phẩm là hướng đi tích cực của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Cách làm này giúp người dân thay đổi tư duy và nhận thức trong việc phát triển sản xuất quy mô lớn gắn với phát triển sản phẩm an toàn, chất lượng cao, loại bỏ cách làm manh mún, nhỏ lẻ kém hiệu quả và tư tưởng mạnh ai nấy làm trong nhiều năm qua.
“Nhiều HTX đã góp phần tăng cao giá trị thu nhập từ các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, cùng địa phương thực hiện thành công tiêu chí số 10 (thu nhập) và số 13 (hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả) trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM”, ông Nguyễn Quốc Dũng cho hay.
Đoàn Huyền