Là một trong những địa phương đang phát triển nên quá trình đô thị hóa tại TP.HCM diễn ra mạnh mẽ, nhất là ở những khu vực nông thôn ven đô.
Khó đầu tư theo chuỗi giá trị
Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ cũng khiến nhiều người dân, HTX ở TP.HCM rơi vào cảnh thiếu đất phát triển sản xuất theo quy mô lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc làm chậm quá trình xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương.
Chẳng hạn như tại huyện Nhà Bè - là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều vấn đề của đô thị phát sinh đã ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình nông thôn mới. Khoảng 4 năm trước, theo quy hoạch, diện tích đất nông nghiệp của huyện Nhà Bè chỉ còn chưa đến 300ha.
Bên cạnh đó, do chưa biết cụ thể thời gian triển khai quy hoạch nên người dân, HTX khó áp dụng các chính sách của TP.HCM về đầu tư sản xuất nông nghiệp. Điều này khiến các HTX khó khăn khi đầu tư dài hạn, mở rộng sản xuất.
Như tại HTX Nông nghiệp Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) dù mong muốn phát triển sản xuất phôi giống nấm mối đen tại chỗ để giảm phụ thuộc ở nguồn cung cấp. Tuy nhiên, HTX gặp khó trong vấn đề xin giấy phép xây dựng cơ sở, dẫn đến nhiều khó khăn khác khi tiếp cận nguồn vốn.
Tháo gỡ những khó khăn trong tổ chức sản xuất sẽ giúp quá trình xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM nâng cao chất lượng. |
“Không được xây dựng cơ sở sản xuất phôi giống nấm mối đen trên đất nông nghiệp khiến việc có kỹ thuật sản xuất của các thành viên trở nên dư thừa. Bên cạnh đó, HTX còn khó tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ vì đòi hỏi phải có giấy phép xây dựng của cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”, Giám đốc Trần Văn Tấn nói.
Cùng tình cảnh, HTX nông nghiệp Hiệp Thành (huyện Nhà Bè), đang rất muốn xây dựng nhà sơ chế, đóng gói cho rau màu. Tuy nhiên, do những quy định về pháp lý cũng như quy hoạch mà nhà sơ chế, đóng gói không thể xây dựng được trên đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, HTX Hiệp Thành muốn mở rộng sang nuôi tôm hàng hóa theo tiêu chuẩn an toàn để nâng cao thu nhập cho thành viên, nhưng một phần diện tích nuôi tôm của HTX lại nằm trong quy hoạch khu công nghiệp. Do không có quy hoạch vùng sản xuất nên sản phẩm tôm của HTX không đăng ký được chứng nhận VietGAP.
Có thể thấy, khi các HTX khó mở rộng sản xuất và đầu tư theo hướng chuyên nghiệp thì cũng khiến các địa phương khó xây dựng được các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo tính bền vững. Trong khi đây là một yêu cần cần thiết trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Giải bài toán "nâng chất" nông thôn mới
Hiện nay, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè… đang là huyện có tiến trình đô thị hóa rất nhanh. Các địa phương này có xu hướng dành những khu vực có điều kiện thuận lợi nhất để quy hoạch phát triển thành đô thị, còn những vùng hay những khu vực còn khó khăn thì giữ lại là nông thôn. Điều này dẫn đến sự phát triển đô thị và xây dựng không gian nông thôn chưa hợp lý.
Bên cạnh đó, việc quản lý tại một số huyện còn chồng chéo do vừa có quy hoạch nông thôn mới, vừa có quy hoạch chung được xây dựng, quy hoạch phân khu. Chức năng sử dụng đất trong quy hoạch nông thôn mới không đồng nhất với dự án quy hoạch chung được xây dựng, quy hoạch phân khu và quy hoạch sử dụng đất. Điều này gây khó khăn trực tiếp cho người dân, HTX trong quá trình phát triển sản xuất. Dù các HTX này đã xác định phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao để giải quyết bài toán thiếu đất nhưng quá trình hoạt động vẫn gặp rất nhiều lực cản.
Vì vậy, việc đầu tư xây dựng và nâng chất nông thôn mới từ năm 2016 đến nay của các huyện này vẫn chưa thực sự đi sâu vào chất lượng. Trong đó, nâng cao thu nhập, đời sống tinh thần và đảm bảo môi trường an toàn là yêu cầu đòi hỏi sự quyết tâm trong việc tiếp tục đầu tư đầy đủ và đồng bộ.
Để giải quyết được những điều này, các chuyên gia cho rằng TP.HCM cần hóa giải những thách thức trong việc tổ chức sản xuất, trong đó có tổ chức sản xuất phi nông nghiệp và nông nghiệp. Bởi hiện nay do lấn cấn trong việc quy hoạch đất sẽ khiến người dân, HTX gặp khó trong việc thụ hưởng các chính sách ưu đãi hỗ trợ, dẫn đến nhiều hạn chế khác trong việc hỗ trợ sản xuất theo mô hình công nghệ cao, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm…
Ông Trần Văn Tấn cho biết, nông dân, HTX rất cần sự hỗ trợ về cơ chế chính sách, nhất là về vấn đề vốn để ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Ngoài ra, về công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp, nông dân và HTX cũng cần được chính quyền hướng dẫn về xây dựng nhà màng, nhà lưới, nhà kho, xây dựng trụ sở HTX...
Bên cạnh những khó khăn về tổ chức sản xuất, TP.HCM cũng cần rà soát, điều chỉnh lập quy hoạch xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp của từng huyện gắn với quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
Có như vậy, mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2021-2025 của thành phố mới đạt hiệu quả. Theo đó, TP.HCM phấn đấu đến 2025 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Những xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Đối với cấp huyện, TP.HCM phấn đấu 5/5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (thêm huyện Bình Chánh), trong đó có 1 huyện được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Minh Nhương