Để phát huy những thế mạnh trong nông nghiệp, cùng sự đầu tư các công trình thủy lợi rộng khắp, thời gian qua, huyện Long Phú đã chủ động tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, thúc đẩy vai trò cầu nối liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị.
Từ làm nông nghiệp hiện đại
Một trong những điểm sáng trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại ở Long Phú là mô hình cánh đồng lớn giúp nông dân ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa... từ đó giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận.
Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX Hưng Lợi, xã Long Đức, để xây dựng cánh đồng lớn, HTX đã triển khai canh tác lúa thông minh từ nhiều vụ trước. Ngoài máy sạ cụm, HTX còn áp dụng các kỹ thuật chăm sóc lúa tiên tiến như giảm giống gieo sạ, giảm phân bón, tưới nước ướt - khô xen kẽ...
Canh tác khoa học giúp thành viên HTX giảm trên dưới 30% lượng phân bón, ruộng lúa thông thoáng, ít sâu bệnh hại, lúa đẻ nhánh to và nhiều. Cây lúa cứng cáp nên cũng dễ thu hoạch, ít bị hao hụt. Các hộ còn tiết kiệm 30 - 40% lượng nước bơm vào ruộng, nên chi phí, công sức cũng giảm theo.
Nông thôn mới huyện Long Phú ngày càng khởi sắc (Ảnh: BST). |
Nhờ sản xuất hiệu quả, HTX Hưng Lợi đang thu hút hơn 500 hộ thành viên, canh tác trên cách đồng liên kết sản xuất hơn 600 ha và 100% nông dân áp dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ. Trên cánh đồng rộng hàng trăm ha, các thành viên HTX đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng nhờ biện pháp canh tác thông minh thích ứng biến đổi khí hậu.
Cũng nhờ những cuộc “cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp, huyện Long Phú đang hình thành hàng loạt sản phẩm thế mạnh như bưởi da xanh của HTX Trường Phát, xã Phú Hữu và HTX Trường Đạt, thị trấn Long Phú; mật ong tại xã Trường Khánh, trà Đông Trùng Hạ Thảo xã Bảo Đăng, tương hột xã Song Phụng, lòng đỏ trứng vịt muối Gia Hân xã Long Đức…
HTX cây ăn trái Trường Phát, xã Phú Hữu là đơn vị đi đầu trong phát triển sản xuất hiện đại, xây dựng sản phẩm thế mạnh. Bưởi da xanh của HTX hiện đã đạt chuẩn OCOP 4 sao, mang lại giá trị cao.
Để có được thành công hiện tại, HTX luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, canh tác theo hướng bền vững. Cụ thể, HTX hạn chế tối đa việc sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh.
Sản phẩm bưởi da xanh của HTX Trường Phát hiện cũng đã xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ với nhiều công ty, doanh nghiệp, phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Trung bình mỗi năm HTX sản xuất khoảng 500 tấn sản phẩm, mang lại lợi nhuận cho thành viên và tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là góp phần giúp địa phương hướng đến xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Đến nông thôn đổi mới
Theo Phòng NN&PTNT huyện Long Phú, thời gian qua, huyện đã có nhiều giải pháp phát triển sản phẩm OCOP. Các HTX, các chủ thể đã tham gia OCOP nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tham gia OCOP bằng cách hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, huyện còn tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nhằm làm rõ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, toàn huyện có 15 sản phẩm OCOP, trong đó có một sản phẩm đạt 4 sao, 14 sản phẩm còn lại đạt 3 sao.
Những thành công trong sản xuất đang trở thành động lực trong xây dựng nông thôn mới huyện Long Phú. Sau hơn 11 năm triển khai, diện mạo nông thôn của huyện đã và đang có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng, đường giao thông được đầu tư đồng bộ, đời sống của người dân có nhiều cải thiện.
Đến nay, toàn huyện có 5/9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 16 tiêu chí trở lên. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là giao thông, thủy lợi, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, phục vụ dân sinh, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Để giữ vững và phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới, huyện dự kiến tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhất là các chương trình, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Huyện cũng sẽ tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị, có lợi thế cạnh tranh theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn để xây dựng thương hiệu gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ giúp tiết kiệm chi phí, áp dụng quy trình sản xuất các sản phẩm sạch, an toàn theo hướng hữu cơ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.
Huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là các công trình thiết yếu như giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế xã, nhà văn hóa và khu thể thao ấp, liên ấp nhằm tạo sự thay đổi đột phá diện mạo nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao mức thụ hưởng trực tiếp cho người dân địa bàn nông thôn.
Lệ Chi