Không chỉ tại Đồng Tháp, huyện Tháp Mười đã và đang là một trong những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước. Để làm được điều này, huyện đã phát huy rất tốt các thế mạnh trong liên kết phát triển cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Sản xuất nông nghiệp thông minh
HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Ðông 2, xã Mỹ Ðông, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp là một trong những HTX tiêu biểu toàn quốc trong ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, thực hiện thành công mô hình "Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0".
Dự án cánh đồng tiên tiến của HTX Mỹ Đông 2 được triển khai từ năm 2017, với diện tích 170ha (trên tổng diện tích 575ha) được UBND tỉnh Đồng Tháp đầu tư hàng chục tỷ đồng theo hình thức vốn đối ứng, để xây dựng cơ sở hạ tầng kênh mương, giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất.
Đến nay, toàn bộ diện tích sản xuất trên cánh đồng của HTX được cơ giới hóa đồng bộ từ việc sử dụng phân bón thông minh đến việc cấy lúa bằng máy, phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái, tưới ngập, khô xen kẽ bằng năng lượng mặt trời.
Những cánh đồng thông minh đang thúc đẩy nông thôn mới ở Tháp Mười (Ảnh: BĐT). |
Cụ thể, HTX Mỹ Đông 2 đang ứng dụng hiệu quả mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh, sử dụng sổ điện tử, truy xuất nguồn gốc… Qua đó, giúp thành viên nắm chắc quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, kịp thời điều chỉnh việc phòng trừ sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Với nhiều biện pháp canh tác hiện đại được triển khai đồng bộ, HTX không chỉ giúp nông dân tiết giảm được chi phí sản xuất và giảm công lao động, mà còn giúp nâng cao năng suất, với sản lượng lúa thu hoạch đạt trên 5,3 tấn/ha, cao hơn 1 tấn/ha so biện pháp canh tác thông thường.
Bên cạnh HTX Mỹ Đông 2, HTX Thắng Lợi là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia mô hình “cánh đồng lúa liên kết” của tỉnh Đồng Tháp từ những năm 2010.
Đến nay, trên 90% diện tích cánh đồng của HTX đã áp dụng phương pháp sạ hàng thủ công và sạ hàng bằng máy, giúp nông dân tiết kiệm 60kg lúa giống/ha/vụ, đồng thời lượng phân bón giảm 15 kg/ha. Các khâu làm đất, tưới tiêu và thu hoạch của HTX cũng được cơ giới hóa hoàn toàn.
Sản xuất hiện đại giúp HTX tiết kiệm 250 - 400 đồng/kg lúa thương phẩm, chênh lệch lợi nhuận vào khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/ha so với phương pháp sản xuất cũ.
Chi phí sản xuất giảm, thị trường tiêu thụ được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của thành viên, nông dân liên kết của HTX Thắng Lợi ngày càng được nâng cao. Hiện, 100% thành viên, hộ liên kết của HTX đã thoát nghèo, hàng chục hộ vươn lên làm giàu.
Thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
Sự hình thành của các HTX điểm góp phần thúc đẩy nông nghiệp thông minh, giá trị gia tăng cao, đang là một trong những nền tảng quan trọng giúp xã Mỹ Đông nói riêng và huyện Tháp Mười nói chung trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đồng Tháp và cả nước.
Cần nhắc lại, Tháp Mười là huyện đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp được công nhận huyện nông thôn mới. Sau hơn 10 năm triển khai, diện mạo nông thôn huyện Tháp Mười đã có sự thay đổi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong huyện ngày càng được nâng cao.
Từ những kết quả trên cho thấy, huyện Tháp Mười đã và đang đi đúng hướng khi chia các lộ trình thực hiện để đến năm 2024 chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Theo lãnh đạo UBND huyện Tháp Mười, những năm qua, huyện đã chủ động, rà soát đối với các tiêu chí, đồng thời chia lộ trình để nỗ lực phát huy toàn hệ thống chính trị và nhân dân để đạt mục tiêu phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Trong các tiêu chí, huyện đặc biệt chú trọng đến tiêu chí thu nhập của người dân. Đây được xem là tiêu chí tăng theo từng năm. Do đó, đây là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ và hệ thống chính trị để làm sao triển khai các giải pháp, nâng cao thu nhập của người dân.
Thời gian tới, để hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, để nông dân tham gia xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng. Chú trọng phát huy nội lực và nguồn lực từ cộng đồng xã hội. Triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ để tạo điều kiện cho HTX, doanh nghiệp tham gia các chương trình đổi mới công nghệ và kết nối các vùng nguyên liệu của huyện.
Đặc biệt, huyện sẽ tiếp tục tạo cơ chế, khuyến khích các HTX tiếp tục liên kết với doanh nghiệp, nông dân để phát triển nông nghiệp thông minh, nâng cao giá trị sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh khai thác hiệu quả du lịch cộng đồng về sen gắn với du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội Gò Tháp, kết nối doanh nghiệp lữ hành, các tour, các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Phát triển các dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách tham quan, du lịch, nhất là các sản phẩm sen Tháp Mười.
Lệ Chi
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025 |