Đã nhiều năm qua, khóm (dứa/thơm) Cầu Đúc đã không còn lo “được mùa, mất giá” bởi cái bắt tay liên kết giữa HTX và doanh nghiệp. Một trong những đơn vị tiêu biểu dẫn dắt sản xuất cho người dân trồng khóm phải kể đến HTX Thương mại dịch vụ Thạnh Tiến (ấp Thạnh Quới 1, xã Tân Tiến).
Điểm tựa từ nông nghiệp
Giám đốc HTX Trần Văn Bá cho biết tình hình sản xuất của các hộ thành viên, nông dân liên kết của HTX Thạnh Tiến hiện rất ổn định, trái khóm sau khi thu hoạch được các doanh nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương… hợp đồng bao tiêu, đưa vào các siêu thị và khắp nơi trên cả nước.
Trong năm 2023, kể từ vụ Tết Nguyên đán đến nay, khóm Cầu Đúc được mùa, được giá. Giá khóm trung bình cao hơn cùng kỳ niên vụ 2021-2022 nên bà con rất phấn khởi.
Cụ thể, khóm loại 1 có trọng lượng trái từ 1kg trở lên được doanh nghiệp, thương lái bao tiêu tại rẫy có giá bình quân 10.000 - 13.000 đồng/trái. Khóm loại 2 có giá bán buôn dao động ở mức 8.000 - 9.000 đồng/trái. 95% sản lượng khóm sản xuất ở Hỏa Tiến và Tân Tiến hiện đạt chuẩn VietGAP.
Hiệu quả từ các cây trồng thế mạnh giúp nông nghiệp, nông thôn Vị Thanh khởi sắc. |
Nhờ sản xuất khoa học, chú trọng cả chất và lượng, cây khóm trên địa bàn xã Tân Tiến hiện đạt năng suất bình quân 15 - 20 tấn/ha/năm, doanh thu trung bình đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.
Hiệu quả của mô hình liên kết trồng khóm chính là một trong những nhân tố quan trọng giúp xã Tân Tiến gặt hái được nhiều thành công trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới cách đây nhiều năm.
Nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và góp phần đưa quê hương ngày càng giàu đẹp trên các mặt, xã Tân Tiến đã và đang nỗ lực xây dựng khu (ấp) dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu và đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Thúc đẩy du lịch nông thôn
Theo đó, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Tân Tiến đã chọn ấp Mỹ Hiệp 2 để thực hiện mô hình khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Một trong những giải pháp trọng tâm trong quá trình triển khai mô hình là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến với người dân bằng nhiều hình thức.
Ông Trần Tuấn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, cho biết từ việc đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động như phát thanh, tờ rơi, tiếp xúc trực tiếp… đã làm cho người dân ở ấp Mỹ Hiệp 2 nâng cao nhận thức và hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện mô hình ấp dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu.
Qua đó, xã Tân Tiến nhận được sự chủ động tham gia tích cực của người dân trong việc đóng góp công sức, hiến đất, hoa màu... để xây dựng quê hương đổi mới, cũng như giúp chính quyền địa phương xây dựng đạt nhiều kết quả trong bộ tiêu chí ấp dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu.
Đáng chú ý, nhờ sự hình thành của nền nông nghiệp xanh trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trên địa bàn TP. Vị Thanh được hình thành, cho giá trị kép cả về kinh tế và môi trường.
Điển hình, thời gian qua, chuyến tàu du lịch trên kênh xáng Xà No trong hành trình đến khóm Cầu Đúc đã trở thành biểu tượng độc nhất vô nhị thể hiện sự sáng tạo du lịch của TP Vị Thanh.
Sự khởi sắc trong diện mạo nông thôn là điểm tựa để Vị Thanh phát triển du lịch sinh thái. |
Hay như mô hình trồng dâu xanh của chị Lê Thị Bích Vân, còn có tên thương mại là vườn dâu Bé Hai ấp 3A, xã Vị Tân, TP. Vị Thanh với diện tích 4 ha, trồng 700 gốc dâu, đang tạo sức hút rất mạnh với du khách trong và ngoài tỉnh.
Chị Vân cho biết gần 10 năm nay chị đã cho khách vào vườn tham quan, lượng khách mỗi năm tăng dần. Năm 2021, chị được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang hướng dẫn, cho đi tham quan học tập nhiều mô hình nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái để về thực hiện mô hình trồng dâu xanh kết hợp du lịch sinh thái.
Năm 2022, vườn dâu của chị Vân đã đón gần 10.000 lượt khách. Nửa đầu năm 2023, vườn thu hút được nhiều du khách địa phương và các tỉnh bạn gần xa đến tham quan, vé vào cổng 30.000 đồng/1 người, tổng thu nhập đạt hơn 550 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận còn lại trên 450 triệu đồng.
Nhân rộng chương trình OCOP
Theo lãnh đạo UBND TP. Vị Thanh, nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch trải nghiệm là yếu tố quan trọng được các địa phương thuộc khu vực nông thôn của TP chú trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhằm tôn vinh giá trị, giữ gìn nét đẹp của làng quê.
Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông và cảnh quan sinh thái nhằm duy trì và tăng cường liên kết giữa đô thị và nông thôn. TP cũng sẽ đảm bảo thông thương hàng hóa diễn ra thuận tiện qua các hệ thống giao thông tạo tiền đề cho mọi hợp tác phát triển.
Bên cạnh du lịch, các xã nông thôn ở TP Vị Thanh đang tích cực phát triển chương trình OCOP. Đến nay, TP đã có tổng cộng 32 sản phẩm được công nhận với hạng từ 3 đến 4 sao. Trong số này, có 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 22 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Đáng chú ý, có 6 sản phẩm được chế biến từ cá thát lát và 8 sản phẩm từ khóm.
Nhằm bứt phá thêm vào năm 2023, thành phố đã đề ra kế hoạch phát triển ít nhất 5 sản phẩm mới, bao gồm sản phẩm khóm trái, mứt chùm giuộc, kẹo gạo lứt, chả bò và các sản phẩm chế biến từ cá thát lát. Để thực hiện kế hoạch này, thành phố tập trung vào 4 giải pháp chủ chốt, nhằm mang đến sự đổi mới và thúc đẩy phát triển cho các sản phẩm OCOP.
Trước hết, việc hỗ trợ các HTX và doanh nghiệp cùng việc trang bị kỹ năng bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng. Cùng với đó là nâng cao chất lượng bao bì sản phẩm và khả năng truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tính minh bạch và uy tín của chương trình OCOP. Đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm cũng là bước quan trọng để tạo dấu ấn riêng cho mỗi sản phẩm.
Mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy OCOP xanh với việc liên kết vùng nguyên liệu là bước tiến quan trọng. Kế hoạch tập trung vào việc xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP đối với sản phẩm từ khóm, gạo và cá thát lát. Điều này không chỉ đảm bảo nguồn cung cấp ổn định mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Sáu Ngạn