Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân, quá trình xây dựng nông thôn mới huyện Triệu Phong đã gặt hái được nhiều kết quả, diện mạo kinh tế, xã hội đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.
Huy động các nguồn lực
Hơn một năm qua, với mục tiêu đưa 3 xã Triệu An, Triệu vân và Triệu Lăng về đích nông thôn mới và 2 xã Triệu Đại và Triệu Trạch đạt nông thôn mới nâng cao, huyện Triệu Phong đã chỉ đạo các địa phương rà soát, huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện các tiêu chí, dồn lực và thực hiện đa dạng các giải pháp đối với những tiêu chí khó, xã khó. Trong đó, ưu tiên tập trung nguồn lực cho các xã đã có lộ trình về đích nông thôn mới.
Riêng trong năm 2022, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt trên 291,5 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hơn 31 tỷ, ngân sách địa phương hơn 21 tỷ đồng, vốn lồng ghép 211 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 15,5 tỷ đồng, huy động người dân và cộng đồng hơn 11,4 tỷ đồng.
Diện mạo kinh tế, xã hội huyện Triệu Phong khởi sắc cùng nông thôn mới. |
Từ nguồn lực huy động được, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và nhiều công trình công cộng phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân. Ngoài ra, trong năm 2022, từ nguồn sự nghiệp nông thôn mới và nguồn ngân sách địa phương huyện đã triển khai điều chỉnh quy hoạch cho 2 xã Triệu Đại và Triệu Trạch và quy hoạch một số khu dân cư trên địa bàn một số xã.
Bên cạnh các nguồn lực kinh tế, việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, với vai trò trọng điểm của các HTX, doanh nghiệp trong hình thành chuỗi liên kết được các ban ngành huyện Triệu Phong đặc biệt chú trọng.
Điển hình, thời gian qua, với phương châm phát triển đồng thời nhưng không dàn trải. Lĩnh vực trồng trọt huyện Triệu Phong tập trung trọng điểm vào những cây trồng chủ lực là lúa, dưa hấu và hoa màu, nhằm phát huy tối đa tiềm năng của các loại cây, mang lại lợi ích kinh tế cao cho người sản xuất.
Trong quá trình thúc đẩy phát triển trồng trọt theo hướng hàng hóa, thân thiện môi trường trên địa bàn huyện, vai trò của khu vực kinh tế hợp tác, với nòng cốt là các HTX, Tổ hợp tác được thể hiện vô cùng rõ nét, trở thành “bà đỡ” sản xuất cho các thành viên, nông dân liên kết.
Xây dựng nền tảng từ nông nghiệp
Đơn cử, ở xã Triệu Trạch, dưới sự dẫn dắt của các HTX, mô hình trồng sen kết hợp nuôi thả cá trên địa bàn xã cho thu nhập khá cao, giá trị đạt khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Các HTX cũng là nòng cốt để xã xây dựng các vùng rau màu có hiệu quả cao, với tổng diện tích hiện đạt trên 12 ha.
Hay trong quá trình xây dựng dưa hấu thành sản phẩm thế mạnh của địa phương, xã Triệu Trạch đã chỉ đạo xây dựng cánh đồng lớn tại các HTX Linh An, Long Quang, Vân Tường với diện tích 145 ha.
Ví dụ như ở HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Long Quang, hiện đang có gần 300 thành viên, trong đó trên 50% thành viên tham gia trồng dưa hấu chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tổng diện tích xấp xỉ 30 ha/2 vụ/năm.
Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp hiệu quả là chìa khóa trong xây dựng nông thôn mới ở Triệu Phong. |
Với sản lượng bình quân đạt 2,5 tấn/ha, giá bán trung bình 5.000 - 6.000 đồng/kg. Nhờ trồng dưa hấu, các hộ có mức thu nhập bình quân 30 - 50 triệu đồng/vụ, đặc biệt có một số hộ triển khai sản xuất trên diện tích lớn, thu nhập có thể lên đến 100 - 150 triệu đồng/năm.
Chính hiệu quả của khu vực kinh tế hợp tác, HTX, cùng những chính sách phát triển đúng hướng của địa phương, đang giúp quá trình xây dựng nông thôn mới tại Triệu Trạch có những chuyển biến mạnh mẽ. Hiện tại xã đã hoàn thành công tác tự đánh giá và được Ban Chỉ đạo nông thôn mới huyện đề nghị tỉnh thẩm định xét công nhận Triệu Trạch đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của năm 2022.
Bí thư Huyện ủy Triệu Phong Trần Xuân Anh cho biết toàn huyện đã có 17 xã triển khai xây dựng nông thôn mới. Đến nay có 14/17 xã được công nhận đạt chuẩn. Thêm ba xã ven biển Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng đã hoàn thành công tác tự đánh giá và được Ban chỉ đạo nông thôn mới huyện đề nghị tỉnh thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn của năm 2022.
UBND huyện Triệu Phong đang tập trung chỉ đạo các xã xây dựng thôn kiểu mẫu, vườn mẫu; đã có 13 thôn đăng ký thực hiện thôn kiểu mẫu và vườn mẫu, trong đó có ba thôn hoàn thiện hồ sơ để thẩm định, công nhận.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu
Với kết quả đang có, huyện Triệu Phong đặt mục tiêu trong năm 2023 hoàn thành các tiêu chí để được công nhận huyện nông thôn mới vào năm 2024. Một trong những tiêu chí quan trọng của huyện nông thôn mới là phải có vùng nguyên liệu tập trung và các sản phẩm đặc trưng. Với tiêu chí này huyện Triệu Phong đang đi trước các địa phương khác trong tỉnh Quảng Trị.
Cách đây 8 năm, huyện Triệu Phong đã xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với sản phẩm chủ lực là lúa hữu cơ để sản xuất gạo mang thương hiệu "Gạo sạch Triệu Phong" được người tiêu dùng trong nước đánh giá cao. Sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường.
Mô hình này sản xuất lúa theo phương thức canh tác tự nhiên tại bốn xã Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Tài và Triệu Trạch, được HTX Nông sản sạch Triệu Phong liên kết bao tiêu sản phẩm, trong đó 11ha ruộng của hợp tác xã này đã được công nhận đạt chuẩn hữu cơ quốc gia. Ngoài ra, huyện còn phối hợp các doanh nghiệp sản xuất 122ha lúa theo hướng hữu cơ, VietGAP.
Để khơi thêm nguồn lực, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, huyện Triệu Phong tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tạo ra nhiều hàng hóa, các ngành nghề dịch vụ, sản phẩm lợi thế.
Cốt lõi của xây dựng nông thôn mới là nâng cao năng lực cộng đồng, tạo ra không gian cộng đồng rộng mở, hình thành mạng liên kết giữa các cộng đồng, hướng đến xây dựng cấu trúc kinh tế-xã hội bền vững, xây dựng nông thôn hài hòa, giàu bản sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân luôn được cải thiện đáng kể.
Sáu Ngạn