Nhiều năm qua, nhờ thích ứng tốt với biến động thị trường, các mặt hàng nông sản của HTX Thịnh Phong, thôn Nà Mạ, xã Bản Lầu luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX trở thành điểm tựa xóa nghèo, làm giàu cho thành viên, lao động.
Làm giàu trên quê hương
Với tư cách là “đầu tàu” của HTX Thịnh Phong, chị Nguyễn Thị Hà cũng là người tiên phong trong các hoạt động sản xuất. Với chị, để thuyết phục người dân làm theo thì “mình phải thành công trước”.
Vẫn là những vật nuôi, cây trồng quen thuộc tại địa phương, chị Hà đã có những cách làm sáng tạo để nâng cao giá trị sản xuất. Hiện, sản phẩm dứa tươi là mặt hàng chủ lực, thúc đẩy giảm nghèo, làm giàu của thành viên, người lao động HTX.
Dứa là một trong những cây trồng mang lại giá trị cao, góp phần giảm nghèo cho nông dân Mường Khương (Ảnh: BLC). |
Bên cạnh 14 hộ thành viên và 25 hộ liên kết trồng dứa, HTX còn đứng ra thu mua dứa của người dân trong và ngoài địa bàn xã, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cho những đơn hàng lớn. Lúc cao điểm, bình quân mỗi ngày HTX xuất bán ra thị trường hàng chục tấn.
“Sản phẩm dứa tươi của HTX được sơ chế, đóng gói rồi chuyển đi các tỉnh thành khắp cả nước. Để có nguồn nguyên liệu tốt, chúng tôi triển khai 100% diện tích sản xuất theo chuẩn VietGAP, hữu cơ, đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho các hộ sản xuất”, chị Hà chia sẻ.
Nhờ có cây dứa, thu nhập của thành viên, nông dân liên kết với HTX ngày càng được nâng cao. Bản thân chị Hà nhờ sự sáng tạo trong sản xuất, chị đang xây dựng thành công trang trại tổng hợp rộng trên 3 ha. Doanh thu bình quân 500-600 triệu đồng/năm.
Cùng với sản phẩm dứa đóng gói, những năm gần đây, khi hàng rào chất lượng xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng khó, chị Hà cùng HTX chuyển hướng chú trọng hơn vào thị trường trong nước, đồng thời định hướng thành viên “xoay trục” sang trồng thêm các cây trồng mới như sắn và ngô.
Sự thích nghi, chuyển đổi linh hoạt theo thị trường đang giúp HTX Thịnh Phong liên tục có bước tiến vững chắc, tạo điểm tựa để chị Hà cùng các thành viên vươn lên làm giàu. Thu nhập bình quân của người lao động HTX hiện đạt 45-80 triệu đồng/năm.
Liên kết để vững vàng hơn
Cũng là một trong những tỷ phú miền biên viễn Mường Khương, anh Trần Văn Hùng những năm qua cùng người dân địa phương đưa sản phẩm chè Shan của địa phương đi nhiều nước trên thế giới, cùng khát vọng chinh phục những thị trường khó tính nhất.
Thời gian qua, để nâng cao giá trị sản xuất, gia tăng sức mạnh cạnh tranh, anh Hùng đã chủ động tham gia các HTX chè Mường Khương và HTX chè bản Sen, từ đó thiết lập liên kết với các hộ dân, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, bao tiêu sản phẩm về chế biến và xuất khẩu.
Các cây trồng thế mạnh như chè đang được Mường Khương thúc đẩy để phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: BLC). |
Hiện tại, anh Hùng cùng các cộng sự trong HTX đã có 2 nhà máy chế biến chè chất lượng cao, công suất 60 tấn/ngày và 40 tấn/ngày. Trước đây khi chưa có nhà máy chế biến, giá chè của người dân chỉ ở mức 4.500-6.000 đồng/kg. Đến nay, chè được phân loại cao nhất là giá 22.000 đồng/kg, tầm trung là 10.000 đồng/kg, đại trà là 7.000-8.000 đồng/kg.
“Bình quân mỗi tháng, với 2 vụ thu hái thì một ha chè cũng cho sản lượng khoảng 10 tấn, các hộ sản xuất thu về trên dưới 140 triệu đồng. Chúng tôi đang trong tình trạng cung không đủ cầu. Chè xuất sang Trung Quốc và hơn 10 nước Trung Đông cho doanh thu 6 tỷ đồng/tháng”, anh Hùng nhẩm tính.
Trong những năm qua, mô hình liên kết trồng chè do anh Hùng phát động triển khai đã giúp trên 80 hộ thoát nghèo, giải quyết khó khăn về vốn, vật tư, cây con giống, tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động tại địa phương. Trung bình mỗi ngày còn có khoảng 15 đến 30 lao động thời vụ với mức lương từ 200.000-250.000 đồng/người/ngày.
Phát huy cây trồng thế mạnh
Có thể thấy, những chuyển đổi trong quá trình sản xuất nông nghiệp đang giúp đời sống của nông dân Mường Khương ngày càng được nâng lên, đặc biệt là sự xuất hiện của những điển hình sản xuất giỏi trở thành những “tỷ phú chân đất” thứ thiệt.
Sản xuất nông nghiệp đã, đang và vẫn sẽ là ngành kinh tế chủ lực của Mường Khương, chiếm hơn 40% đóng góp vào ngân sách địa phương và phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
Mục tiêu năm 2023 của huyện Mường Khương là sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác gắn liền với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; chuyển đổi 1.100ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Dự kiến giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 79 triệu đồng/ha.
Một điều đáng mừng là trong thời gian qua, “bài toán” được mùa mất giá, được giá mất mùa, hay làm ra không ai mua gần như đã được “giải hết” trong câu chuyện làm nông nghiệp ở Mường Khương. Lý do là bởi, với đặc điểm có tới ba tiểu vùng khí hậu là nhiệt đới, á đới và ôn đới nên Mường Khương có khả năng phát triển nông nghiệp đa dạng về sản phẩm.
Từ những lợi thế trời phú, Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã xác định Mường Khương sẽ hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung, sản xuất chè, các cây ăn quả như quýt, mận, chuối, dứa… Trong đó, cây chè sẽ được tập trung thâm canh nâng cao năng suất, đẩy mạnh chế biến sâu đạt chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo lãnh đạo Huyện ủy Mường Khương, để có được thành công trên, các địa phương trong huyện đang nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ làm nhỏ, nghĩ nhỏ sang nghĩ lớn làm lớn, hình thành những vùng cây trồng, vật nuôi thế mạnh theo từng xã, bản.
Sau hai năm thực hiện Nghị quyết 10 đến nay đã có năm giống cây trồng là thế mạnh của địa phương là chè, dứa, chuối, quýt, lúa Séng Cù. Trong đó, riêng với cây chè, Mường Khương khẳng định vị thế với danh xưng thủ phủ chè của tỉnh Lào Cai với gần 5.000ha. Ngay cả trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Mường Khương vẫn trồng mới được 700-800ha chè/năm.
Lệ Chi