Năm 2023, HTX nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) tiếp tục là một trong số ít HTX trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt tiêu chuẩn và đủ khả năng xuất khẩu nhãn quả tươi sang Nhật Bản và châu Âu. Việc liên tục xuất khẩu thành công sản phẩm đang giúp sản phẩm của HTX khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị.
Hiệu quả xuất khẩu nhãn
Ông Bùi Xuân Sử, đại diện HTX nhãn lồng Nễ Châu cho biết, để đáp ứng tiêu chí xuất khẩu, từ năm 2022, HTX đã quy hoạch trồng hơn 1,5 ha vùng sản xuất nhãn Hương Chi sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP và GlobalGAP, cho sản lượng bình quân trên 30 tấn quả/vụ.
Năm 2022, HTX xuất khẩu thành công 1 tấn nhãn Hương Chi quả tươi sang thị trường châu Âu, với giá bán 3 USD/kg. 100% sản phẩm xuất khẩu có chất lượng vượt trội về cả mẫu mã và an toàn thực phẩm. Năm 2023, HTX tiếp tục đặt mục tiêu xuất khẩu với khối lượng cao hơn ở cả châu Âu và Nhật Bản.
Nhãn đang là một trong những cây trồng chủ lực, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nông dân Hưng Yên. |
Bên cạnh sản lượng nhãn xuất khẩu, HTX Nễ Châu cũng chú trọng tiêu thụ tại thị trường nội địa với giá bán trung bình từ 37 đến 40 nghìn đồng/kg, cao hơn 2 lần so với nhãn sản xuất theo phương pháp truyền thống. Sản phẩm long nhãn hữu cơ được thị trường đánh giá cao, giá bán dao động 300-350 nghìn đồng/kg, cao hơn 15 - 20% so với giá long nhãn ngoài thị trường.
“Nhờ sản xuất hiệu quả, 100% hộ thành viên HTX hiện là những hộ khá giả. Người lao động HTX cũng có thu nhập bình quân 5-10 triệu đồng/người/tháng. HTX cũng có những đóng góp tích cực vào quá trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương”, đại diện HTX chia sẻ.
Nhiều năm qua, nhãn vẫn được coi là sản phẩm nông sản chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nông dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Khoảng 1 tháng nữa, "thủ phủ" nhãn lồng Hưng Yên sẽ vào mùa thu hoạch chính vụ.
Hiện, các HTX, nhà vườn đang khẩn trương thực hiện những công đoạn cuối cùng để cung ứng ra thị trường những sản phẩm tốt nhất. Năm 2023, tỉnh Hưng Yên có khoảng 5.000ha trồng nhãn, trong đó khoảng 4.800 ha chuẩn bị cho thu hoạch.
Nếu như mọi năm, nhãn Hưng Yên chủ yếu chú trọng thị trường trong nước, thì năm nay địa phương này đã chủ động mở rộng thị trường quốc tế. Thị trường mà quả nhãn Hưng Yên nhắm đến lại là một trong những thị trường có những yêu cầu khắt khe bậc nhất trên thế giới - Nhật Bản. Công tác chuẩn bị cho chuyến đi xa này của nhãn lồng Hưng Yên đã bắt đầu từ vùng trồng.
Một vùng trồng với diện tích 27 ha đã được lựa chọn thí điểm làm vùng nguyên liệu xuất đi Nhật Bản. Nhãn tại các vùng này phải đáp ứng được 800 chỉ tiêu từ phía Nhật yêu cầu về ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép. Hiện đã có 2 mã vùng trồng đủ điều kiện này.
Mở rộng các mặt hàng
Không chỉ có nhãn lồng, Hưng Yên còn có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao đã và đang được người tiêu dùng Việt Nam, cũng như một số quốc gia trên thế giới tin dùng như chuối tiêu hồng, cam và các loại quả có múi, nghệ tươi, tinh bột nghệ, vải lai chín sớm, vải trứng, long nhãn, mật ong hoa nhãn…
Điển hình, những năm qua, quả vải trứng Hưng Yên của HTX vải trứng Hưng Yên, xã Đa Lộc (huyện Ân Thi) được xuất khẩu sang thị trường EU mở ra cơ hội để người dân trên địa bàn tỉnh yên tâm mở rộng vùng sản xuất, nâng cao thu nhập, tự tin làm giàu bền vững.
Vải trứng đang là cây trồng mang lại giá trị cao cho nông dân Hưng Yên những năm qua nhờ xuất khẩu. |
Ông Đoàn Văn Hiểu, Giám đốc HTX vải trứng Hưng Yên, cho biết vải trứng Hưng Yên hiện nay cung chưa đủ cầu, nhưng với kế hoạch mở rộng vùng trồng các giống nhãn, vải đặc sản, trong đó có vải trứng thì sản lượng vải sẽ tăng trong những năm tiếp theo. Với giá trị hiện tại, những người trồng vải trứng có thể thu vài trăm triệu/ha/năm.
“Với đặc thù thời gian thu hoạch vải trứng ngắn, chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng nên việc quả vải trứng tươi được thị trường EU đón nhận là tín hiệu tích cực để HTX mở rộng sản xuất”, ông Hiểu bày tỏ.
Tương tự quả vải trứng, từ năm 2018 đến nay, sản phẩm nghệ của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên, xã Chí Tân (huyện Khoái Châu) được thị trường Nhật Bản đón nhận và đánh giá cao. Việc xuất khẩu nghệ không chỉ khai thác tối đa giá trị thành phần trong củ nghệ mà còn nâng cao giá trị sản xuất, làm giàu cho người dân.
Điểm tựa giảm nghèo cho nông dân
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên, các sản phẩm nông sản xuất khẩu, đặc biệt là các loại quả tươi như nhãn, vải, cam xuất khẩu trước hết đều phải bảo đảm các tiêu chuẩn VietGAP. Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đã tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương hướng dẫn nông dân mở rộng diện tích canh tác theo quy trình VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh thái.
Cùng với các diện tích trồng rau màu, cây ăn quả các loại, hiện nay, toàn tỉnh có 15 vùng trồng nhãn xuất khẩu, trong đó có 2 vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) và xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu), 13 vùng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc.
Những thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đang giúp tỉnh Hưng Yên tăng giá trị sản xuất cho nông dân, hiện đạt bình quân trên 150 triệu đồng/ha/năm, qua đó đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Từ nay đến năm 2025, Hưng Yên phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%.
Để đạt mục tiêu, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh dự kiến đẩy mạnh hỗ trợ về vốn, kết nối thị trường, phát huy vai trò của các HTX, doanh nghiệp để hình thành nền sản xuất theo chuỗi, vừa đảm bảo tiêu thụ trong nước vừa thúc đẩy xuất khẩu, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho người dân.
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ mở rộng các vùng sản xuất theo quy mô lớn, tạo đà cho các sản phẩm thế mạnh phát triển. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 199 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP được công nhận là 3 sao, 4 sao. Những sản phẩm đạt được danh hiệu trên đã có bước tiến về chất lượng, mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc...
Lệ Chi