Điều may mắn là năm 2020 không có dịch bệnh, đàn gà lớn nhanh như thổi. Chỉ đầu tháng Chạp, nhiều hộ dân tại huyện Khoái Châu đã xuất bán 400-500 con gà tiến vua, gà thịt thương phẩm, đút túi tiền tỷ. Đặc biệt, gà Đông Tảo thuần chủng được bán tới hàng chục triệu đồng/con nhưng nhiều đại gia không tiếc tiền chi để làm cảnh hoặc mang đi biếu.
Xu hướng quà Tết độc-lạ-đẹp
Gà Đông Tảo là giống gà đặc hữu và quý hiếm, được nuôi nhiều đời nay ở vùng đất Khoái Châu để tiến vua hoặc dùng cúng tế đình, chùa nhằm bày tỏ lòng tôn kính của mình đối với bậc bề trên. Loài “quái thú” này được các đại gia săn lùng bởi thân hình lực sĩ, da đỏ ngồn ngộn, cơ bắp cuồn cuộn, trọng lượng gà trống có thể lên tới 6 - 7kg, thịt gà thơm dai, chắc nịch.
Đặc biệt, điểm khác biệt có một không hai của loài gà này là đôi “chân voi” dị dạng, to hơn chân gà bình thường gấp 10 lần, bao quanh phía trước chân là lớp vảy da rồng, da sần sùi, có màu đỏ hồng từ cẳng xuống tận ngón chân.
Ông Lê Mạnh Thắng, Chủ tịch Hội chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo chia sẻ về thị trường gà Tết Nguyên đán. |
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương cho biết, gà Đông Tảo thuần chủng chỉ có 2 dòng chân: dòng vảy thịt đỏ và vảy rồng. Đồng thời, ống chân gà phải tròn, chân to dần theo thời gian chứ to bất bình thường ngay từ nhỏ, ngón chân của gà ngắn, mập… Hiện trên thị trường có một số dòng gà có chân xù xì, nấm mốc, tức là gà lai, gà đột biến gen, gà bị bệnh nấm chân.
Xưa kia, giống gà này cực hiếm do tỷ lệ ấp trứng chỉ được 30%, thêm vào đó gà mái thuần chủng thường chỉ đẻ 7-10 quả mỗi lứa, chăm con vụng nên số lượng gà cực hiếm. Ngày nay, nhờ có sự hỗ trợ của máy móc và con người, tỷ lệ ấp trứng được cao hơn nhưng vẫn khó để nhân giống hàng loạt như gà công nghiệp.
Trong những ngày cận Tết Tân Sửu, nhu cầu mua gà Đông Tảo tăng chóng mặt, đặc biệt là gà thuần chủng. Những chú gà với trọng lượng lớn, hình dáng to lớn, oai phong, đôi chân kỳ dị giống “chân rồng” có thể được bán với giá 15-20 triệu đồng/con.
Trọng lượng gà trống có thể lên tới 6 - 7kg, thịt gà thơm dai, chắc nịch. |
Theo kinh nghiệm của người nuôi gà, càng nuôi lâu năm càng quý, thịt ăn thường có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào. Một con gà có thể chế biến khoảng 7 món như giò gà, chân gà ngâm sả tắc, gà rang muối, gà luộc, giò gà xào… đa dạng để chế biến các món ăn cổ truyền và mời khách dịp Tết.
Năm 2020 là một năm bị ảnh hưởng khá nhiều bởi dịch COVID-19 nên sức mua, lượng tiêu thụ chỉ ngang tầm so với năm trước. Tuy nhiên, năm nay có thuận lợi là không có dịch bệnh nên người dân vẫn duy trì, phát triển chăn nuôi giống gà này để phục vụ dịp Tết.
"Dự kiến, sản lượng gà thịt thương phẩm của toàn xã Đông Tảo khoảng 50.000 con, bán với giá 200-250 nghìn đồng/kg, gà quà biếu có khoảng 2000-3000 con, bán giá từ 1,5-3 triệu và một số cặp gà “độc-lạ-đẹp” có giá 15 triệu/con", ông Lê Mạnh Thắng, Chủ tịch Hội chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo nói.
Riêng gia đình ông Thắng đến thời điểm này đã chốt đơn 200 con quà biếu, đến độ rằm tháng Chạp, khách nườm nượp tới mua, các hộ chăn nuôi vét sạch vườn, đút túi tiền tỷ. Dù bị ảnh hưởng của Covid-19 nhưng Tết này của người dân Đông Tảo vẫn khá… ấm.
Chăm gà như chăm… vua
Xu hướng mua gà Đông Tảo làm quà biếu dịp Tết mới nổi lên khoảng hơn chục năm trở lại đây, khi kinh tế phát triển, đời sống người dân cải thiện, nhiều người tìm đến những thứ độc, lạ, đẹp để chơi Tết.
Một con gà Đông Tảo đẹp có giá trị ngang với 3 chỉ vàng, bởi thế mới có chuyện, nhiều chủ hàng đã lao tâm, khổ tứ để chăm gà, coi gà như “đế vương” và sử dụng nhiều kỹ thuật đặc biệt chưa từng có để chăm sóc chúng. Gà thịt nuôi từ 8 tháng trở lên, còn gà biếu Tết, gà cảnh phải nuôi từ 12 tháng trở lên mới xuất chuồng.
Gà có cặp chân gà "khủng" được nhiều đại gia ưa thích, săn về làm quà. |
Để cuối năm có thể “hốt vàng”, ngay từ khâu lựa chọn con giống, người nuôi đã chú trọng gà bố mẹ thuần chủng, không mang bệnh tật, chọn trứng chất lượng để ấp và tuyển chọn những con gà con khỏe mạnh, kích thước cao, to, đặc biệt đôi chân to, cao, khỏe. Nuôi một lứa gà thành công thì công tác vệ sinh, phòng dịch bệnh, cung cấp thức ăn, nước uống sạch và an toàn, thường xuyên bổ sung vitamin và khoáng chất phải được đảm bảo.
Theo kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi, muốn gà Đông Tảo cho thịt ngon, ngọt và dai thì thức ăn chủ yếu của gà phải là thóc, ngô trộn rau xanh theo mùa. Đặc biệt, thiết kế chuồng trại theo hướng bán chăn thả, có vườn rộng cho gà chạy nhảy, chuồng nuôi đảm bảo ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè. Đồng thời, phải tiêm phòng vacxin đầy đủ, phun thuốc khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi phòng ngừa dịch bệnh.
Gà Đông Tảo chịu rét kém nên phải thắp đèn, sưởi ấm suốt mùa đông. |
Đặc tính của gà Đông Tảo là khá nhạy cảm với thời tiết, sức chịu đựng kém nên vào những ngày lạnh dưới 10 độ, người dân phải cho gà vào chuồng, sử dụng đèn hồng ngoại để sưởi ấm, cho uống nước tỏi, gừng để tăng cường đề kháng.
Với những cặp gà biếu, gà cảnh, chăm loại cao cấp này chẳng khác gì chăm… vua. Ngoài các biện pháp nêu trên, người nuôi còn phải sử dụng những bài thuốc dân gian để vệ sinh, tăng sức đề kháng cho gà. Cụ thể, dùng nước lá trầu không cọ rửa chân cho gà, xông hơi cho gà giúp gà khỏe khoắn, lực lưỡng, da dẻ hồng hào...
Nuôi gà đặc sản cũng giống như canh bạc, chỉ cần sơ hở một chút sẽ mất trắng.Vào dịp giáp Tết, người dân Đông Tảo phải túc trực 24/24 giờ để chăm gà, đến ngày xuất chuồng họ mới thở phào nhẹ nhõm.
Xuân Mai