Không ai biết gà 9 cựa có từ bao giờ, chỉ được các cụ truyền lại gắn liền với truyền thuyết: “Sơn Tinh, Thủy Tinh”. Vua Hùng thứ 18 kén rể, đưa ra lễ vật thách cưới dành cho hai vị anh tài Sơn Tinh và Thủy Tinh: “Voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao”. Sơn Tinh là vị thần của núi rừng tìm được lễ vật đem đến trước nên chàng cưới được nàng Mỵ Nương xinh đẹp. Cho đến nay, loài thần kê này được tìm thấy và xác định nguồn gốc tại vùng đất Tổ.
Khởi nghiệp độc hành
Bước ra từ truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh, gà 9 cựa không chỉ là biểu tượng tâm linh của người Việt mà còn trở thành cơ hội để người dân huyện Tân Sơn phát triển kinh tế, du lịch, những người trẻ như anh Đức nuôi dưỡng ước mơ cùng bà con dân tộc đổi đời và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống.
Sau gần 10 năm từ bỏ nghề giáo viên, quyết tâm trở về làm "người nông dân nuôi gà", anh Đức đã sở hữu cơ ngơi trang trại hơn 1.500 con gà nhiều cựa và 5 trang trại vệ tinh, mỗi năm trừ các chi phí thu về vài trăm triệu tiền lãi, chứng minh với gia đình quyết định của mình là đúng đắn.
Có 2 loại cựa: cựa sừng và cựa thường (ngón). |
Anh Nguyễn Văn Đức nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, khi bày tỏ dự định mở trang trại, sưu tầm và nhân giống gà 9 cựa thì vấp phải sự phản đối quyết liệt của bố mẹ. Khi đó, với mong muốn cậu con trai có nghề nghiệp ổn định, không phải "bán lưng cho đất, bán mặt cho trời”, ông bà đã cố gắng dành dụm, chắt chiu cho anh xuống Hà Nội học hành, tìm con chữ. Đồng thời, gà 9 cựa là loài gà hiếm, khó có thể nên cơm nên cháo, nên bố mẹ anh không ủng hộ ý tưởng khởi nghiệp của con trai.
Anh Nguyễn Văn Đức, người khởi nghiệp với gà 9 cựa. |
Dường như công việc giáo viên khó có thể “trói chân” khát vọng khởi nghiệp của một người trẻ, anh Đức âm thầm, lặng lẽ làm việc, chờ thành công lên tiếng. Thời điểm đó, người dân chuyển sang nuôi gà thương phẩm nên gà 9 cựa thất lạc ... vào rừng, số lượng gà trong các bản cực hiếm.
Có nhiều kỷ niệm tuổi thơ với gà 9 cựa, anh Đức không thể để giống gà này có trong danh sách tuyệt chủng, anh cùng những người bạn vào bản “mò kim đáy bể”, sưu tầm những cặp gà bản địa để gây giống.
Khó khăn chồng chất khó khăn, tìm được gà mới chỉ là bước đầu tiên trong hành trình đầy gian nan của anh Đức. Bởi, tỷ lệ gây giống tự nhiên của gà 9 cựa chỉ đạt 30%, sau này khi áp dụng úm giống bằng máy tỷ lệ tăng lên 60 – 65%, mỗi đàn 1000 con con chỉ có khoảng 4 – 5 con 9 cựa.
2 năm đầu khởi nghiệp gần như không có lãi, những người bạn cũng dần rút khỏi dự án, chỉ còn anh Đức “độc hành” với niềm đam mê. Bởi như anh nói, khởi nghiệp với loài gà hiếm khó có thể ăn “xổi”, chỉ cần có niềm tin vào bản thân, cứ để đam mê cuốn hết mệt mỏi, tuyệt vọng… và tiến về phía trước”.
Cùng bà con dân tộc làm giàu
Bước đầu có được đàn gà giống, anh Đức đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm, tìm đến các chuyên gia nông nghiệp cùng nghiên cứu về mã gen, quá trình sinh trưởng và phát triển của gà.
Anh nhận thấy, gà 9 cựa có tập tính hoang dã của gà rừng, kiếm ăn bằng cách đào bới các loại trùng, dế, kiến, mối từ đất và bay lên ngủ trên các cành cây. Do đó, anh thiết kế chuống trại, ủ thức ăn lên men từ ngô, bã rượu, cám gạo… cho chúng được sống theo cách tự nhiên nhất. Sau 7-8 năm kiên trì không mệt mỏi, hiện nay anh Đức đang sở hữu đàn gà nhiều cựa gần 1.500 con.
Có gà sạch bán nhưng người tiêu dùng hoài nghi về loài gà lạ, hiếm này. Cùng với thời điểm đó, Vlog bắt đầu nở rộ tại Việt Nam. Anh nảy ra ý tưởng làm kênh Vlog để trực tiếp giới thiệu về giống gà, quy trình nuôi, các món ăn bản địa với gà 9 cựa. Cứ thế, người thanh niên bản Mường sáng lên đồi chăn gà, chiều về quay Vlog, những câu chuyện người thật, việc thật, gà thật dần dần lấy được lòng tin của khách hàng.
Qua các kênh youtube, fanpage, website, khách hàng chủ động liên lạc và đặt mua giống, gà thương phẩm, thị trường cũng được mở rộng ra các tỉnh Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lâm Đồng, Vũng Tàu…
Gà được nuôi theo hình thức bán chăn thả, thức ăn chủ yếu là ngô lên men. |
Sinh ra tại vùng đất Tân Sơn với 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc 62 huyện nghèo nhất theo Nghị quyết 30a, anh Đức nghĩ rằng thành công không chỉ là kiếm tiền về cho bản thân, gia đình mà còn là hỗ trợ bà con dân tộc, các hộ gia đình nghèo, cận nghèo thoát nghèo.
Đàn gà con sau khi úm sẽ được tuyển chọn những con mắt sáng quắc, mào đỏ tươi và đặc biệt những cặp chân to, mọc nhiều cựa để làm giống. Số gà con lai sẽ được chuyển về các trang trại vệ tinh để bà con chăn nuôi gà thương phẩm. Đồng thời, tư vấn cho bà con kiến thức và hướng dẫn chăn nuôi khoa học, tiêm phòng vắc xin, cách phòng bệnh cho gà khi thời tiết bất thường…
Bà Nguyễn Thị Quê phấn khởi khoe năm nay gia đình sẽ ăn Tết to. |
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Quê (55 tuổi, dân tộc Mường, Tân Sơn, Phú Thọ) thì những chú gà nhiều cựa ở đây đi kiếm ăn từ sáng sớm đến tối mới về chuồng, chúng lên đồi, lên rẫy đào giun, bắt dế thỉnh thoảng mới được nắm ngô của chủ.
Bà Quê phấn khởi khoe rằng: “Nhờ anh Đức hướng dẫn, bà nuôi gần 200 con gà trên quả đồi 7ha. Năm nay bà nuôi gà thắng lợi lắm, mới mua được mấy chỉ vàng. Năm nay nhà bà ăn tết to”.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng anh Đức đang ấp ủ nhiều dự định mới trong việc mở rộng chăn nuôi cũng như thị trường tiêu thụ gà chín cựa. Với những gì đã và đang có, con đường khởi nghiệp của anh Đức tuy gập ghềnh nhưng đã mang lại những thành công bước đầu, và chắc chắn những thành công mới vẫn đang chờ đợi anh ở phía trước.
Xuân Mai