Với diện tích đất nông nghiệp trên 80.000 ha, huyện Nguyên Bình chỉ đạo tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, trong đó xác định các cây, con mũi nhọn để phát huy và khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành nông nghiêp huyện Nguyên Bình đã có bước phát triển đột phá (Ảnh: TL) |
Thay đổi tập quán canh tác
Để thay đổi nhận thức, tập quán từ sản xuất nhỏ lẻ truyền thống sang sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị kinh tế cao, huyện Nguyên Bình đã tập trung công tác tuyên truyền. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí kinh phí thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Từ chủ trương đó, đến nay, trên địa bàn huyện đã có một số cây trồng mũi nhọn đang có chiều hướng phát triển ổn định.
Đơn cử như cây thuốc lá nguyên liệu được trồng ở 10 xã, toàn huyện trồng trên 166 ha, sản lượng đạt hơn 283 tấn. Cây mía tập trung ở xã Thể Dục và thị trấn Nguyên Bình với diện tích trên 36 ha. Lạc giống hơn 240 ha với trên 1.400 hộ nông dân tham gia.
Cây trúc sào phát triển được 2.119 ha, riêng năm 2018 trồng mới 1,89 ha và diện tích mọc lan hơn 63 ha, trong đó số diện tích đang khai thác 1.625 ha. Các loại cây ăn quả như: cây lê vàng 29 ha, năm 2018 trồng mới 16,56 ha; cây thanh long hiện toàn huyện có trên 22 ha, năm 2018 trồng thêm 1,63 ha.
Đặc biệt, cây dong riềng được huyện quan tâm tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích và hỗ trợ đầu tư, trang bị giống và kiến thức cho các hộ gia đình. Để phát triển diện tích trồng dong riềng và nghề làm miến dong ở địa phương, huyện huy động, lồng ghép các chương trình hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn.
Đồng thời, khuyến khích các xóm thành lập nhóm hộ, tổ hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về vốn, giống, công lao động, thông tin về thị trường giá cả, tiêu thụ sản phẩm, quảng bá và giữ vững thương hiệu sản phẩm miến dong Nguyên Bình. Hiện, trên địa bàn huyện duy trì trên 319 ha cây dong riềng, năng suất trung bình đạt 540 tạ/ha, sản lượng hằng năm đạt trên 25.000 tấn.
Huyện hiện có 35 nhóm đồng sở thích về trồng cây dong riềng và sản xuất miến dong, trung bình mỗi nhóm có từ 12 hộ trở lên tham gia. Từ khi tổ chức sinh hoạt theo mô hình liên kết nhóm giúp người nông dân tiếp cận với sản xuất hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị và nâng cao thu nhập hơn trong sản xuất.
Đặc biệt, huyện chú trọng phát triển cây dong riềng đỏ ở xã Phan Thanh. Miến dong được làm từ củ dong đỏ Phan Thanh được đánh giá thơm ngon, giữ được hương vị đặc trưng của củ dong riềng. Để đưa miến dong đỏ Phan Thanh trở thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương, xã xây dựng thương hiệu nhằm mở rộng thị trường cho sản phẩm.
Xây dựng thương hiệu miến dong đỏ
Lãnh đạo UBND xã Phan Thanh cho biết, năm 2014, xã đã xây dựng thương hiệu miến dong đỏ và thành lập HTX miến dong Kim Mộc. HTX đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền thương hiệu “Đặc sản miến dong đỏ Nguyên Bình”. Cơ sở chế biến miến của HTX có bao bì, mẫu mã, mã vạch riêng cho sản phẩm của mình.
Việc hoàn thiện về quy trình sản xuất hàng hóa đã giúp sản phẩm miến dong đỏ Phan Thanh ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Để giúp cho làng nghề thêm phát triển, những năm qua, Đảng ủy xã Phan Thanh ban hành Nghị quyết về phát triển làng nghề, xây dựng thương hiệu miến dong đỏ Phan Thanh.
Trong thời gian tới, xã tiếp tục xác định cây dong đỏ là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Xã đặt ra mục tiêu diện tích quay vòng hằng năm đối với cây dong riềng giữ mức ổn định là 175 ha.
HTX miến dong Kim Mộc đã đăng ký thương hiệu miến dong đỏ (Ảnh: TL) |
Cùng với việc quảng bá sản phẩm, UBND xã chỉ đạo các hộ dân và HTX chế biến miến tập trung nâng cao chất lượng, ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình chế biến. Bên cạnh đó, huyện Nguyên Bình thường xuyên đưa sản phẩm miến dong đỏ Phan Thanh tham gia các hội chợ nông sản để giới thiệu sản phẩm.
Ngoài việc phát triển các nhóm hộ, huyện Nguyên Bình luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX hoạt động, thực hiện tốt mô hình chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. HTX Miến dong Cốc Phường, xã Thành Công được kiện toàn và vận hành sản xuất từ năm 2014, chủ yếu tập hợp các thành viên duy trì nghề truyền thống làm miến dong.
Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Cao Bằng giai đoạn 1 đã đầu tư cho HTX 4 máy ép miến, 9 thùng khoắng bột inox, 2 máy dập túi sản phẩm, 4 thùng lọc bột và một số thiết bị khác với tổng số tiền hỗ trợ trên 4 tỷ đồng.
Ngoài ra, tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc dong riềng và lập phương án sản xuất, kinh doanh cho HTX. Từ khi được hỗ trợ thiết bị, phương tiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX ổn định và đạt hiệu quả cao hơn.
Trong khâu sản xuất đã giảm được chi phí, công lao động, điều kiện sản xuất, chế biến an toàn, sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh còn thực hiện kết nối giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm miến dong cho HTX, vì vậy thu nhập bình quân một thành viên của HTX hằng năm từ trồng và làm miến dong đạt khoảng 70 - 80 triệu đồng, hộ thu nhập cao đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Minh Minh