![]() |
Chị Nguyễn Thị Út là người đầu tiên khởi xướng thành lập THT đan mê bồ tại ấp Lê Giao (Ảnh:Internet) |
Nhiều năm trước, mê bồ được sử dụng rộng rãi ở vùng nước ngọt, nên "người người, nhà nhà" ở ấp Lê Giáo đều đan mê bồ. Thế nhưng, sau chuyển dịch, mê bồ chẳng còn chỗ đứng, sản phẩm làm ra ít người mua, cũng vì thế mà nhiều người dân bỏ nghề.
Tưởng chừng đã bị mai một, thất truyền, ấy thế mà nghề đan mê bồ lại được những người phụ nữ Tổ hợp tác Đan mê bồ (THT) âm thầm níu giữ.
"Gái có công, chồng không phụ"
Ở xã Biển Bạch Đông, có lẽ ít ai không biết đến chị Nguyễn Thị Út, người đầu tiên khởi xướng thành lập THT đan mê bồ.
Chia sẻ về nghề, chị cho biết, đó cũng là cái duyên bởi trước kia chị là dân buôn mê bồ, đi khắp vùng thu mua mê bồ của bà con. Về sau, nhận thấy cây trúc rất dễ thích nghi với thổ nhưỡng địa phương lại có thể dùng để đan mê bồ, kiếm thêm thu nhập. Từ đó, chị vừa thu mua mê bồ vừa học lỏm nghề của các thợ đan trong vùng. Từ việc làm thử, bán thử và nhận thấy sản phẩm vẫn được mọi người ưa dùng, chị đã vận động chị em trong ấp cùng làm để kiếm thêm thu nhập.
Năm 2015, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, THT Đan mê bồ được thành lập tại ấp Lê Giáo với mục tiêu “giữ lửa” nghề truyền thống, tạo việc làm ổn định cho phụ nữ trong ấp.
Sau khi đi vào hoạt động, với sản phẩm chủ yếu là mê bồ vỏ và mê bồ ruột, THT gặp không ít khó khăn, do đẩu ra của mê bồ trong thị trường tỉnh hạn chế, chị Út, với vai trò là tổ trưởng THT phải đi tìm mối từ các tỉnh bạn, thậm chí sang tận nước ngoài tìm thị trường cho sản phẩm.
“Trời không phụ công người”, sau nhiều ngày tháng vất vả lặn lội ngược xuôi tìm đầu ra, cuối cùng sản phẩm mê bồ của THT cũng được các mối trong và ngoài tỉnh nhận thu mua, đầu ra ngày càng ổn định.
Nhận thấy THT là mô hình kinh tế có tiềm năng phát triển, đem lại công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ 147 triệu đồng để phát triển mô hình.
![]() |
Bình quân mỗi tháng THT xuất bán ra thị trường khoảng 5.000 tấm mê bồ (Ảnh:Internet) |
Phát triển mô hình
Từ nguồn vốn hỗ trợ trên, THT đầu tư 4 máy bào gọt nguyên vật liệu. Trúc sau khi chẻ, được đưa vào máy để tách ra hai phần vỏ và phần ruột riêng, nên người lao động đỡ vất vả hơn nhiều.
“Tôi theo nghề này đã được hơn 10 năm, trước đây các công đoạn đều phải làm thủ công nên rất tốn thời gian, lại vất vả. Nhưng từ khi tham gia THT, các công đoạn được máy móc hỗ trợ nhiều, vừa cho năng suất cao mà đầu ra lại ổn định, kinh tế gia đình tôi ổn định hơn hẳn, con cái đều được học hành đàng hoàng”, Chị Lê Thị Kiều, 44 tuổi, thành viên THT chia sẻ.
Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, đến nay, THT Đan mê bồ ấp Lê Giáo đã tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động, mỗi lao động có thu nhập từ 70 - 150 nghìn đồng/ngày, mỗi ngày nhân công tạo ra khoảng 400 - 500 sản phẩm.
Theo đó, thị trường tiêu thụ mê bồ của THT cũng phát triển khá mạnh, ngoài các đơn đặt hàng từ các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh, THT cũng xuất sản phẩm mê bồ sang thị trường Campuchia mỗi tháng từ một đến hai lần.
Với thị trường trên, bình quân mỗi tháng THT xuất bán khoảng 5.000 tấm mê bồ với giá bán 60 - 65 nghìn đồng/chiếc mê bồ vỏ, 18 - 20 nghìn đồng/chiếc mê bồ ruột, đạt doanh thu gần 200 triệu đồng/tháng.
Bà Lê Tuyết Phương, Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thới Bình đánh giá, THT Đan mê bồ ấp Lê Giáo là mô hình kinh tế tiêu biểu của huyện. Sản phẩm làm ra của các chị em được khách hàng đánh giá cao, vì vậy góp phần lớn giải quyết được công ăn, việc làm cho phụ nữ địa phương.
Theo đó, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lê Giáo, chị Võ Thị Trang Nhã cho biết: “THT đã thu hút được nhiều lao động tại địa phương, góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo trên địa bàn”.
Tuy nhiên, với những thành công đã đạt được, chị Út vẫn còn nhiều trăn trở và trần tình: “giữ gìn được nghề đã là cái khó, làm sao để phát triển nghề lại càng khó nên tôi rất cần và mong mỏi sự quan tâm hỗ trợ hơn nữa của cấp trên trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ máy móc cho THT duy trì làng nghề”.
Khánh Hồng