![]() |
Mô hình nuôi dê của HTX Đê Biển Tây được đánh giá là hướng đi tích cực, giúp người dân nâng cao thu nhập (Ảnh: Internet) |
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất gần biển, sau khi lập gia đình, anh Đình được cha mẹ cho vài công đất ruộng để trồng lúa. Thế nhưng, với đặc thù gần biển, mặn xâm nhập ngày càng nhiều nên năng suất lúa không cao, làm quần quật quanh năm chỉ đủ ăn nên anh quyết định tìm hướng đi mới.
Có chí thì nên
Để tìm được hướng đi phù hợp, anh Đình đã không ít lần nếm trải cay đắng, ngọt bùi với các mô hình như nuôi gà sao, nuôi trăn, rắn, cũng đã có lúc anh phải chịu lỗ nặng từ việc thực hiện các mô hình chăn nuôi mới, thế nhưng, quyết tâm thoát nghèo không cho phép anh từ bỏ ý định.
May mắn cuối cùng đã mỉm cười với anh, năm 2016, trong một lần lên thăm người thân ở Bình Dương, anh biết đến mô hình nuôi dê. Với sự nhạy bén có sẵn cùng sự cần cù, ham học hỏi anh Đình đã quyết định thử nghiệm nuôi dê.
Ban đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên đàn dê của anh bị ốm và bệnh rất nhiều. Không nản chí, anh lại “khăn gói quả mướp” đi khắp nơi để học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, tìm hiểu qua sách báo, đồng thời tham gia các lớp tập huấn nuôi dê theo hướng an toàn.
Nhờ đó, sau 1 năm khởi nghiệp anh đã hiểu rõ kỹ thuật, nhân rộng đàn dê của gia đình lên số lượng gần 100 con, với nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm.
![]() |
Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, hỗ trợ người dân thực hiện mô hình để cùng nhau vươn lên thoát nghèo (Ảnh:Internet) |
Hiệu quả từ mô hình
Từ thành công đó, cùng với nhu cầu của người dân nuôi dê tại địa phương, anh Đình tiếp tục nhân rộng đàn dê và xin thành lập HTX nuôi dê Đê Biển Tây. Sau khi thành lập, các thành viên của HTX đều được anh Đình cung cấp con giống, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn cách chăm sóc nên đều đạt hiệu quả, có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ việc bán dê thịt và giống.
Đơn cử như trường hợp Bà Nguyễn Thị Tập, một thành viên của HTX, nhận thấy mô hình nuôi dê của anh Đình mang lại hiệu quả cao, kỹ thuật lại không khó, nên gia đình bà đã tiến hành đầu tư nuôi dê.
Bà kể, từ khi đầu tư và tham gia HTX gia đình bà được hướng dẫn kỹ thuật nuôi và chăm sóc dê, hơn nữa, địa phương cũng có lợi thế về cây đước, cây mắm mọc tự nhiên dồi dào, là nguồn thức ăn ưu thích của dê, nên gia đình bà tiết kiệm thêm được chi phí thức ăn cho dê, chẳng cần bỏ nhiều công chăm sóc, dê vẫn béo tốt và cho nguồn thu nhập cao.
“Mô hình nuôi dê này vừa hiệu quả mà lại có lợi hơn nhiều hơn so với nuôi heo, gà vịt. Nuôi dê không tốn thức ăn, chủ yếu chỉ mất công đi chăn”, bà Tập chia sẻ.
Từ hiệu quả của mô hình, HTX nuôi dê Đê Biển Tây ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân tại địa phương. Hiện tại, HTX đã có thêm 4 hộ dân tham gia, nâng tổng số thành viên lên 7 hộ với số lượng đàn dê trung bình khoảng 300 - 500 con, tùy thời điểm.
Trước thực trạng vùng đất ven biển xã Khánh Hải ngày càng chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng tới sản xuất, mô hình nuôi dê của HTX Đê Biển Tây được đánh giá là một hướng đi tích cực, giúp người dân tăng thu nhập.
Anh Nguyễn Văn Đình cho biết, thời gian tới anh sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng chuồng trại và tăng thêm số lượng đàn dê của gia đình. Cùng với đó, anh sẽ hỗ trợ những hộ dân muốn thực hiện mô hình nuôi dê để nâng cao thu nhập, cùng nhau vươn lên thoát nghèo.
Khánh Hồng