![]() |
Mô hình nuôi sò huyết kết hợp tôm, cua ngày càng được nhân rộng tại xã Đông Thới, huyện Cái Nước, Cà Mau (Ảnh:Internet) |
Đông Thới là vùng cung cấp sò thịt lớn nhất cho thị trường huyện Cái Nước. Để hình thành vùng sản xuất và phát triển ngành nghề thủy sản như vậy, Đông Thới không thể không kể đến sự góp sức của các THT, HTX trên địa bàn.
Nhiều mô hình tiêu biểu
Chủ tịch UBND xã Đông Thới, ông Bùi Hoàng Vũ cho biết, nghề nuôi sò huyết ở xã được hình thành từ sau chuyển dịch sản xuất (năm 2001-2002), nhờ mang lại hiệu quả cao nên ngày càng được bà con nhân rộng. Tính đến nay, 4/5 ấp trong xã có HTX, THT, các hộ nuôi sò huyết thương phẩm cho sản lượng cao.
Được thành lập từ năm 2009 với mô hình nuôi sò kết hợp tôm, cua, Tổ hợp tác (THT) Nuôi cua 2/9 đến nay là 1 trong 16 THT hình thành sớm nhất và làm ăn hiệu quả nhất ở Đông Thới.
Ông Mai Văn Vinh, ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới, thành viên THT với 7 năm kinh nghiệm nuôi sò huyết trên vuông tôm cho biết, nghề nuôi sò huyết đến nay cũng đã bén duyên với bà con Đông Thới ngót 20 năm. Sò huyết được bà con mua giống từ vùng khác về thuần lại để thả nuôi trong vuông tôm, cho hiệu quả kinh tế khá. Tuy nhiên, từ khi các THT, HTX được thành lập, bà con được cán bộ hướng dẫn cách thả nuôi, chăm sóc sò huyết, kết hợp tôm, cua, do thực hiện đúng quy trình, nên năng suất, hiệu quả tăng gấp 7,8 lần so với trước.
“Gia đình tôi mỗi năm thả chừng 20 kg sò giống loại nhỏ (9 -10 nghìn con/kg), đó là phần để dành tích luỹ khi thu hoạch bởi thời gian nuôi sò kéo dài khoảng 8 tháng/vụ. Còn lại cứ mỗi tháng thả thêm nghìn tôm giống, vài nghìn cua để có cua, tôm thu hoạch, lấy phần chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày. Tính ra, mỗi năm gia đình tôi có nguồn thu nhập từ 200-300 triệu đồng. Chuyện thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm cũng không còn xa lạ gì với các hộ thành viên khác nữa”, ông Vinh phấn khởi.
Ngoài mô hình nuôi sò huyết kết hợp tôm, cua nói trên, nhiều mô hình sản xuất khác cũng được nhân rộng và đánh giá cao về hiệu quả kinh tế như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, mô hình lúa – tôm, cá chình, cá bống tượng, dưa hấu, thanh long…
![]() |
Nhiều mô hình sản xuất khác cũng được nhân rộng và đánh giá cao về hiệu quả kinh tế như mô hình nuôi tôm siêu thâm canh (Ảnh:Internet) |
Nhân rộng các mô hình
Được biết, để đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm 2019, huyện Cái Nước đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp có hiệu quả.
Theo Ông Phạm Phúc Giang - Chủ tịch UBND huyện Cái Nước, để phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát huy tinh thần, vận dụng các nguồn vốn và sự hỗ trợ của doanh nghiệp để tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình điểm nhân rộng; chủ động nắm bắt tình hình nhằm phát hiện kịp thời những đối tượng, mô hình mới, những cách làm hay, trên cơ sở khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình nhân rộng phù hợp để phát triển đối tượng nuôi.
Đặc biệt, huyện và các cấp chính quyền sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất cũng như làm trung gian cho các doanh nghiệp, công ty sản xuất giống phối hợp hỗ trợ giống cho bà con trong các THT, HTX và vùng sản xuất nhằm góp một phần cho vụ nuôi của bà con được thành công, năng suất tăng cao, đời sống và thu nhập ổn định, phát triển.
Khánh Hường