Theo UBND huyện Đạ Tẻh, nhờ tập trung gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới nên đời sống của người dân được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người từ 32,9 triệu đồng/người/năm vào năm 2016, nay đã tăng lên trên 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chỉ còn vài phần trăm.
Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu
Đây là kết quả của việc ưu tiên chuyển đổi sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào nhóm cây trồng chủ lực là: Dâu tằm, lúa chất lượng cao, tre tầm vông, cao su, cây ăn quả, từ đó kinh tế nông nghiệp ở nông thôn có chuyển biến khá nhanh.
Trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô khá, như: Vùng sản xuất trồng dâu nuôi tằm 1.500 ha trên địa bàn 8/8 xã, doanh thu bình quân đạt 220 triệu đồng/ha; cây ăn trái 1.200 ha (quýt, sầu riêng, bưởi da xanh) ở xã Đạ Lây, Mỹ Đức, Quốc Oai, Quảng Trị, một số mô hình đạt doanh thu từ 700 - 1.000 triệu đồng/ha; cao su diện tích 3.500 ha; sản xuất lúa chất lượng cao, quy mô 1.600 ha, doanh thu đạt từ 90 – 120 triệu đồng/ha.
Trồng dâu nuôi tằm thông qua các tổ hợp tác thu hút được sự tham gia của người dân. |
Riêng vùng sản xuất lúa VD20, nếp quýt đã áp dụng quy trình VietGAP 400 ha, GlobalGAP 20 ha, hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp; nhãn hiệu gạo nếp quýt được xác định, chọn lựa là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh và đang từng bước tiếp cận với thị trường nước ngoài.
Đáng chú ý, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung của huyện đều được dẫn dắt bởi mô hình HTX, tổ hợp tác (THT). Đến nay, các HTX đã hình thành các chuỗi liên kết để hỗ trợ nhau về vốn, giống, công nghệ đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Huyện đã phát triển được 23 THT dâu tằm nhằm giúp người dân giảm nghèo, nâng cao thu nhập từ phát triển thế mạnh nông nghiệp địa phương. Tổng số hộ trồng dâu - nuôi tằm là 3.054 hộ; sản lượng kén tằm từ các THT sản xuất đạt 1.800 tấn; giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích đạt 190 triệu đồng/ha/năm.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, kinh tế tập thể đã giúp huyện đưa kinh tế nông nghiệp phát triển theo chiều sâu. Ngoài những con số “biết nói” nêu trên, điều quan trọng nhất là sự thay đổi về nhận thức, trách nhiệm của chính người nông dân.
Nông dân giờ đầu tư vào sản xuất nghiêm túc và bài bản hơn trước đây rất nhiều. Các hộ dân đã quan tâm hơn đến sản xuất tập trung theo quy trình GAP, hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái.
Đến nay, một số sản phẩm nông sản của huyện đã khẳng định vị thế, lợi thế so sánh trên thị trường như: gạo chất lượng cao, gạo Nếp Quýt, tơ tằm, trái cây.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Để làm được những điều trên, huyện đã đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng ở các xã, đồng thời đẩy mạnh công tác tín dụng.
Thông qua các tổ chức hội, đoàn thể như nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh và các HTX, nhiều hộ nghèo đã được vay vốn của các ngân hàng với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất.
Ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135, UBND huyện còn hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các xã Đạ Pal, Quốc Oai, Mỹ Đức và Đạ Lây. Đây là điều kiện thuận lợi giúp người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Mặt khác, ban ngành chức năng của huyện chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng những mô hình HTX, THT điểm. Các mô hình này sẽ hướng dẫn người nghèo, cận nghèo áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, nhiều nông hộ đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tiêu biểu như HTX Trái cây Mỹ Đức (xã Mỹ Đức) đang hỗ trợ 28 hộ thành viên sản xuất các loại cây ăn quả như bưởi, sầu riêng. Các mặt hàng trái cây của HTX phần lớn xuất đi thị trường các tỉnh phía Nam. Khi tham gia HTX, các thành viên cũng yên tâm hơn vì có đầu ra ổn định, không lo bị tồn đọng hàng. Kinh tế các hộ thành viên vì vậy mà ngày một khấm khá.
Ngoài HTX Mỹ Đức, huyện còn phát triển các khu vườn nông nghiệp công nghệ cao trồng đặc sản bưởi da xanh, dưa hấu, dưa lưới, sầu riêng… theo tiêu chuẩn an toàn hoặc hữu cơ để cho ra sản phẩm chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ tại các thị trường lớn trong nước.
Việc nhân rộng các mô hình nói trên đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Minh Nhương