Mô hình nuôi gà đẻ trứng đang mở hướng làm giàu cho hàng chục hộ chăn nuôi tại Tân Lân (Ảnh tư liệu) |
Ứng dụng công nghệ cao
Tân Lân là xã có số hộ chăn nuôi gà đẻ nhiều bậc nhất của huyện Cần Đước. Đặc biệt, thời gian qua, một số hộ chăn nuôi áp dụng thành công mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi gà đẻ trứng, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ông Nguyễn Thành Hoan, ngụ ấp Bà Chủ, cho biết: “Mô hình ứng dụng công nghệ cao là thay đổi trại hở thành trại kín, đóng la phông, che bạt, gắn dàn quạt và hệ thống dẫn nước làm mát, chi phí khoảng 200 triệu đồng để nuôi 7.000 con gà”.
Với mô hình này, ông Hoan phát triển hệ thống trang trại nuôi 12.000 con gà, mỗi ngày cung cấp cho thị trường hơn 8.000 trứng. Trừ các khoản, ông lời hơn 3 triệu đồng/ngày.
Toàn xã Tân Lân có 400.000 con gà đẻ trứng, mỗi năm đem về doanh thu hàng chục tỷ đồng, đầu ra tiêu thụ ổn định, sản phẩm có thương hiệu trên thị trường, được thương lái và người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Ngoài việc nuôi gà lấy trứng, một số hộ còn nuôi khoảng 2.000 con gà thả vườn bán thịt, chủ yếu nuôi gà tàu vàng, gà tàu đất, thu nhập ổn định.
Hai HTX Tân Mỹ và HTX chăn nuôi, dịch vụ Ao Gòn được cấp giấy chứng nhận VietGAP, sản phẩm từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. Đây là tín hiệu vui cho người chăn nuôi tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Lai – Giám đốc HTX Ao Gòn, cho hay trước những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm của thị trường, những năm qua, HTX đẩy mạnh nghiên cứu để triển khai mô hình nuôi gà theo quy chuẩn VietGAP với những yêu cầu gắt gao về chất lượng, vệ sinh thực phẩm.
Khi tham gia vào HTX, các hộ phát triển mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm được hướng dẫn chi tiết từ khâu thiết kế chuồng trại, nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng, vệ sinh khử trùng tiêu độc đến quản lý chất thải, sổ tay ghi chép hàng ngày…
Hệ thống chuồng trại của các thành viên trong HTX đều được quy hoạch xây dựng bảo đảm yêu cầu, kỹ thuật. Quy trình chăn nuôi thường xuyên có sự kiểm tra của các chuyên gia nhằm kiểm soát dịch bệnh kịp thời và có biện pháp giúp đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt.
Mô hình nuôi gà sẽ được phát triển theo hướng hữu cơ, đảm bảo hiệu quả bền vững (Ảnh TL) |
Phát triển bền vững
Điều gây ấn tượng đặc biệt tại hệ thống trang trại của HTX Ao Gòn là các chuồng gà đều được thiết kế 3 tầng như bậc tam cấp giúp các hộ thành viên tiết kiệm diện tích. Lồng gà được thiết kế trên cao phù hợp với đặc tính của giống gà, vừa tạo thuận lợi trong việc vệ sinh chuồng trại.
Hiện tại, hệ thống chuồng trại của HTX đều có hệ thống phun sương hoặc làm mát tự động. Ngoài ra, quy trình chăn nuôi cũng bảo đảm an toàn, không sử dụng chất cấm, kháng sinh, sử dụng nước uống hợp vệ sinh.
Theo UBND xã Tân Lân, nuôi gà đẻ lấy trứng là thế mạnh của xã trong nhiều năm qua, cuộc sống của người dân được cải thiện, khá lên rất nhiều.
Tuy nhiên, để nghề này nhân rộng và phát triển bền vững, ngành chức năng huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển từ chăn nuôi gà thịt sang gà đẻ để tăng thu nhập, phát triển kinh tế.
Đồng thời, tăng cường hỗ trợ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Hỗ trợ nguồn vốn để hộ gia đình xây dựng, mở rộng gia trại, trang trại phối hợp với ngành liên quan tìm kiếm doanh nghiệp, siêu thị bao tiêu sản phẩm, giúp người chăn nuôi yên tâm đầu tư sản xuất, mở rộng quy mô, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp an toàn bền vững, chất lượng cao.
Với lợi nhuận tương đối cao, năm 2020, nông dân nuôi gà tại xã Tân Lân tiếp tục tăng đàn, từng bước mở rộng trang trại, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, từng bước khẳng định thương hiệu trứng gà Cần Đước.
Hưng Nguyên