Là một địa phương có địa hình đồi núi, người dân chủ yếu phát triển nông nghiệp nên nguồn thức ăn tự nhiên cho chăn nuôi phong phú. Đi liền với đó, nhu cầu thị trường về các sản phẩm chăn nuôi sạch, an toàn ngày càng tăng. Trong khi các giống vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế như lợn đen, bò vàng tại Hà Quảng được đánh giá cao về chất lượng.
Giúp dân tiếp cận các “điều kiện cần”
Song song với những mặt thuận lợi, quy mô chăn nuôi trên địa bàn huyện Hà Quảng vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán. Người dân thiếu vốn đầu tư, kỹ thuật chăn nuôi hiện đại nên dịch bệnh trên vật nuôi vẫn còn tiềm ẩn, gây rủi ro cho người chăn nuôi.
Trước thực trạng này, huyện Hà Quảng đã phát huy vai trò các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc liên kết phát triển sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị, mở rộng ngành nghề nông thôn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, sản phẩm chủ lực.
Việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và các cấp ngành giúp đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi giúp người nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần” để phát triển kinh tế gia đình, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, ổn định xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở địa phương.
![]() |
Nuôi gà an toàn sinh học của HTX Bảo Hưng. |
HTX Bảo Hưng, xã Trường Hà là một ví dụ cụ thể. Mô hình kinh tế tập thể này được xây dựng và phát triển bởi giám đốc trẻ Lê Bảo Hưng (sinh năm 1993) đã tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Sau nhiều ngày tính toán những thuận lợi, khó khăn, anh đã thành lập HTX thực hiện chăn nuôi quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học. Trang trại chăn nuôi lợn, gà được xây dựng trên diện tích khoảng 4.000 m2 với hệ thống cho ăn, làm mát, chiểu sáng… hiện đại, tự động. Hệ thống xử lý phân vật nuôi bằng đệm lót sinh học giúp giải quyết những khó khăn về môi trường và nâng cao giá trị kinh tế.
Chỉ riêng việc bán trứng gà, mỗi ngày HTX thu lãi khoảng 6-7 triệu đồng. Đi liền với đó là nguồn thu gà thải sau 1 năm đẻ trứng với giá bán 100.000 đồng/con. Ngoài ra, HTX còn nuôi thả cá rô phi, cá chép trong 300m2 ao, mỗi năm thu hoạch gần 1 tấn cá, đem lại nguồn lợi hơn 50-60 triệu đồng, cùng với lượng phân, phế thải hữu cơ tự huỷ được đóng bao bán cho người trồng cây cũng đã giúp HTX có thêm vốn để đầu tư.
Tại HTX Thắng Lợi, thị trấn Xuân Hòa cũng thực hiện chăn nuôi lợn rừng theo hướng khép kín trên tổng diện tích gần 4ha. Mỗi năm, HTX xuất ra thị trường 25 - 30 tấn lợi hơi, doanh thu từ 3 - 3,6 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX còn cung cấp lợn giống hương rừng thuần chủng F1 và phát triển nuôi gà siêu trứng, cung cấp sản phẩm sạch đến các khu công nghiệp, trường học, siêu thị trên địa bàn tỉnh và các siêu thị lớn tại Tp. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Mô hình chăn nuôi của HTX tạo việc làm cho hàng chục lao động.
Lan tỏa sản xuất, nâng cao thu nhập
Đây là 2 trong số những HTX đang phát triển mạnh mảng chăn nuôi ở huyện Hà Quảng. Từ đây có thể thấy những mô hình chăn nuôi theo chuỗi khép kín đã khắc phục những thách thức và phát huy tiềm năng về chăn nuôi tại Hà Quảng.
Đặc biệt, huyện đã khuyến khích phát triển các mô hình HTX chăn nuôi vì phù hợp với điều kiện của người dân ở nhiều thôn, xã. Các HTX này đã đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, từ cung cấp giống, thức ăn, đến tiêu thụ sản phẩm, xử lý chất thải. Các HTX cũng tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Và với vai trò của một tổ chức kinh tế, các HTX đã làm tốt việc liên kết với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Từ những mô hình này, người dân cũng đã tích cực học tập, đầu tư sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng đàn vật nuôi và thúc đẩy kinh tế, thu nhập.
Tiêu biểu như anh Trương Văn Công, xã Cần Yên sau khi được tham quan các HTX chăn nuôi tiêu biểu của huyện đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn trong chuồng kín điều hòa với quy mô hơn 300 con lợn thịt, 45 con lợn nái...
![]() |
Chăn nuôi giúp nhiều hộ gia đình nâng cao thu nhập. |
Còn nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn huyện cũng học tập mô hình chăn nuôi an toàn sinh học từ các HTX để phát triển chăn nuôi bò, lợn nái sinh sản, gia súc (trâu, bò, lợn) với quy mô khoảng vài chục con.
Những hoạt động này giúp gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp của huyện, từ đó giúp người dân nâng cao thu nhập, hỗ trợ đắc lực vào quá trình giảm nghèo. Đến cuối năm 2024, mức thu nhập của người dân trong huyện là 24 triệu đồng/người/năm, tăng 2 triệu đồng so với năm 2021.
Anh Hoàng Văn Cường, xã Thượng Thôn cho biết, trước đây gia đình anh thuộc hộ khó khăn nhưng nhờ được hỗ trợ giống, kỹ thuật, anh đã phát triển chăn nuôi lợn, gà kết hợp với trồng ngô lai nên gia đình đã thoát nghèo.
Hướng đến thoát nghèo cuối năm 2025
Theo đánh giá của UBND huyện, việc chú trọng hỗ trợ người dân về vốn sản xuất, về các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết với các doanh nghiệp, HTX, rồi các mô hình sản sản xuất gắn với cộng đồng đã góp phần tạo ra sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm khoảng 4-6% tùy từng năm. 100% các xã của huyện Hà Quảng có đường ô tô đến trung tâm xóm; 97% cụm xóm có điện lưới quốc gia, gần 100% trung tâm xóm được tiếp cận sóng truyền thông. Nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo nhờ phát triển kinh tế hộ, liên kết với HTX để thực hiện chăn nuôi, trồng trọt kết hợp.
Với những nền tảng vững chắc, huyện đang phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ thoát nghèo. Để làm được điều này, ngoài những giải pháp tổng thể hỗ trợ người dân về xóa nhà tạm, dột nát, đầu tư đa dạng các môi hình sinh kế, huyện cũng xác định tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi hàng hóa.
Do đó, Hà Quảng đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường. Đi liền với đó là tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn người dân đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi gắn liền với phát triển các mô hình HTX, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ đây, Hà Quảng sẽ thuận lợi hơn trong việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chăn nuôi của địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện, một số HTX trên địa bàn huyện như HTX Thắng Lợi, HTX Bảo Hưng cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong khâu quảng bá, marketing và thực hiện dán tem QR Code... để mở rộng đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi và khẳng định được chất lượng sản phẩm.
Tùng Lâm