Mô hình trồng lúa hữu cơ đang lan tỏa tích cực, mở hướng làm giàu bền vững cho nông dân Đồng Tháp (Ảnh Tư liệu) |
Trồng lúa hữu cơ tăng giá trị cho hạt gạo
Năm 2019, giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo của tỉnh Đồng Tháp đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với năm 2018. Sự tăng trưởng ấn tượng được sự báo sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam đang thuận lợi.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, giá trị tăng nhờ tỉnh thực hiện nhiều giải pháp đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thay đổi cơ cấu giống phù hợp, nhân rộng các mô hình giảm giá thành, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần làm giảm chi phí sản xuất.
Cùng với sự phát triển của các HTX, ngành lúa gạo của tỉnh Đồng Tháp đang chú trọng hướng tăng trưởng theo chiều sâu. Năm 2019, tỉnh thí điểm nhiều mô hình mới giúp tăng lợi nhuận, tăng giá trị hạt gạo cho nông dân.
Nổi bật có thể kể đến 24 mô hình canh tác lúa lý tưởng theo hướng hữu cơ tại HTX Mỹ Đông, huyện Tháp Mười. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo của địa phương.
So với ruộng không áp dụng theo quy trình, mô hình canh tác lúa lý tưởng theo hướng hữu cơ giúp thành viên HTX Mỹ Đông thu về lợi nhuận cao hơn 3 - 8 triệu đồng/ha, mở ra cơ hội làm giàu bền vững.
Tương tự, nhiều năm qua, diện tích 20 ha lúa hữu cơ của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường (huyện Tam Nông) đã không sử dụng thuốc trừ rầy nâu và sâu cuốn lá giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân.
Hiện năng suất lúa hữu cơ của HTX đạt trung bình 4,3 tấn/ha và được bán với giá 11.620 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về là 31 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng lúa thông thường là 13,4 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Trãi - Giám đốc HTX, cho biết sau khi tham gia vào HTX, các thành viên được tham gia các lớp tập huấn phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, thực hiện giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giúp hạn chế việc tiêu diệt thiên địch, cân bằng sinh thái.
Canh tác hữu cơ giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng, giá bán (Ảnh TL) |
Nhân rộng các mô hình điểm
Hiệu quả của mô hình trồng lúa hữu cơ đang tạo hiệu ứng mạnh trên địa bàn các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười… thúc đẩy các HTX, tổ hợp tác mở rộng mô hình.
Điển hình, mô hình trồng lúa hữu cơ được thực hiện tại HTX Tân Bình, huyện Thanh Bình với diện tích 10ha.Trong đó, áp dụng 2 phương pháp là sạ lan truyền thống 6ha và cấy mạ bằng máy 4ha.
Kết quả cho thấy phương pháp trồng lúa hữu cơ áp dụng cấy bằng máy có hiệu quả vượt trội. Cụ thể, phương pháp này chỉ cần 5 kg giống/công (công = 1.000m2), chỉ bằng 1/4 so với sạ lan truyền thống. Lúa vẫn phát triển tốt, xanh lá, cây nở bụi và ít sâu bệnh tấn công.
Đồng thời, việc sản xuất lúa hữu cơ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học độc hại. Bình quân 1 ha lúa hữu cơ sử dụng máy cấy cho năng suất 5 - 5,6 tấn, lợi nhuận trên 35 triệu đồng, cao hơn lúa hữu cơ sạ lan gần 13 triệu đồng và cao hơn so với canh tác lúa theo truyền thống trên 20 triệu đồng.
Bên cạnh HTX Tân Bình, có thể kể đến hàng loạt HTX điểm trong trồng lúa hữu cơ khác trên địa bàn tỉnh như HTX Thạnh Phát (huyện Tháp Mười), HTX Đức Huệ (Tháp Mười), HTX Thắng Lợi…
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp mô hình sản xuất lúa hữu cơ đang là hướng đi giúp nông dân Đồng Tháp giải quyết bài toán thị trường, nâng cao giá thành sản phẩm, mở hướng làm giàu bền vững.
Thời gian tới, các mô hình sản xuất lúa hữu cơ điển hình, đặc biệt là các HTX, tổ hợp tác sẽ tiếp tục được tỉnh thúc đẩy phát triển, nâng cao vai trò dẫn dắt người nông dân đón đầu đầu nông nghiệp 4.0.
Hưng Nguyên