Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng cho hay, tiêu chí thu nhập là tiêu chí số 10 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, là một trong những tiêu chí quan trọng, có vai trò nội lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, các HTX đóng vai trò quan trọng tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Nòng cốt là HTX
Hiện nay, toàn tỉnh Nam Định có khoảng 2.000 tổ hợp tác trong các lĩnh vực của đời sống xã hội với gần 8.200 thành viên; 489 HTX với tổng số 376.763 thành viên và người lao động.
Các HTX đóng vai trò quan trọng tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. |
Doanh thu bình quân của mỗi HTX khoảng 590 triệu đồng/HTX. Thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 30 triệu đồng/người/năm… Các HTX trên địa bàn tỉnh trở thành yếu tố quan trọng trong xây dựng NTM.
Đặc biệt, tỉnh Nam Định có tổng số 368 HTX lĩnh vực nông nghiệp, phát triển hiệu quả, gắn với chuỗi giá trị.
Nhờ đó, nhiều HTX đã mạnh dạn tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, quản lý và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập gia tăng cho HTX và thành viên HTX góp phần thiết thực hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Một số mô hình điển hình như: Các chuỗi sản phẩm thủy sản của HTX thủy sản Hải Điền, HTX thủy sản Gia Hưng (Hải Hậu) với ốc hương thương phẩm và chế biển thủy hải sản; chuỗi sản xuất tiêu thụ các sản phẩm thủy sản của HTX An Hòa, HTX làng nghề thủy sản Minh Hải (Hải Hậu), HTX thủy sản Trực Hùng (Trực Ninh), HTX thủy sản Phúc Thắng (Nghĩa Hưng), HTX nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường), HTX thủy sản Tân Khánh (Vụ Bản).
Các chuỗi sản phẩm ngành chăn nuôi như HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, HTX chăn nuôi Long Phú (Vụ Bản), HTX chăn nuôi sinh học Trực Thái (Trực Ninh), HTX chăn nuôi Châu Gia Huy (Xuân Trường), HTX chăn nuôi Thịnh Phát, HTX chăn nuôi Yên Lợi (Ý Yên) với chuỗi “Thịt lợn sạch Nam Sơn”.
Các chuỗi sản phẩm ngành trồng trọt như HTX Bốn Thuận (Vụ Bản) kết nối nhiều HTX sản xuất, thu mua, chế biến tiêu thụ lúa gạo mỗi tháng hàng trăm tấn nông sản. HTX nông nghiệp Mỹ Thành (Mỹ Lộc), HTX nông nghiệp Nam Cường (Ý Yên) với mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ sản xuất rau hữu cơ của Nhật Bản.
HTX Nông nghiệp và Cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường) với chuỗi sản phẩm OCOP gồm mì gạo và bánh đa nem làng nghề truyền thống. HTX Nông nghiệp Nam Thành, Sinh vật cảnh Nam Điền (Nam Trực), HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nữ Hoàng Xanh (Mỹ Lộc), HTX Hoa và cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định), HTX thanh niên Nam Đại Dương (Nghĩa Hưng).
Chuỗi sản xuất giống, trồng và chế biến nấm của HTX Linh Phát (Hải Hậu), HTX Tuấn Hiệp (Giao Thủy), HTX nấm Nhật Bằng (Trực Ninh). HTX Nông nghiệp Trường Xuân (Giao Thủy) với chuỗi các sản phẩm nông nghiệp tổng hợp.
Đặc biệt, Liên hiệp HTX Khánh Hưng (Vụ Bản) ngay sau khi được thành lập đã được UBND huyện quan tâm giao đất xây dựng Trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm ngay tại trung tâm huyện, tạo điều kiện cho liên hiệp HTX xây dựng kết nối chuỗi sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại địa phương, nâng cao thu nhập cho thành viên.
Hướng đến nâng cao thu nhập cho người dân
Theo ông Nguyễn Doãn Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Năm 2022, toàn tỉnh sẽ tập trung thực hiện các tiêu chí khó của chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện nhiệm vụ nâng chất tiêu chí thu nhập.
Các HTX đã chủ động đổi mới hình thức sản xuất, giúp tăng thu nhập cho thành viên và người lao động. |
Tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, phân cấp trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, nhất là các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ cấp huyện, Ban thường vụ Đảng uỷ cấp huyện phụ trách xã, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các xã, thôn/xóm rà soát, đánh giá kết quả xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao, đặc biệt là khả năng hoàn thành tiêu chí thu nhập theo diễn biến thực tế tại địa phương.
Phát triển nhanh các hình thức tích tụ ruộng đất để tổ chức “cánh đồng lớn liên kết theo chuỗi giá trị” và các mô hình HTX. Đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ.
“Nam Định phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp trên 1,7 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn dưới 0,15%. Đến năm 2050, trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của cả nước, với nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường; nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh - sạch - đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận với đô thị”, ông Nguyễn Doãn Lâm khẳng định.
Tiêu chí thu nhập luôn được các địa phương chú trọng và tiếp tục nâng cao bởi có thu nhập, người dân mới nâng cao được chất lượng cuộc sống.
Đối với các địa phương của tỉnh Nam Định đã đăng ký hoàn thành NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu năm 2022 cũng vậy, tiêu chí thu nhập luôn được quan tâm hàng đầu.
Để thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập, các địa phương cần phải chủ động đổi mới hình thức sản xuất, từ sản xuất nhỏ lẻ manh mún sang sản xuất tập trung, ưu tiên phát triển chuỗi liên kết giữa nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và sử dụng đất đai có hiệu quả.
Tiếp tục khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có cũng như thu hút nguồn lực từ bên ngoài giúp nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Có thể thấy, tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM là tiêu chí quan trọng hàng đầu, nhưng cũng là tiêu chí khó đạt nhất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Do vậy, Nam Định không chỉ quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng đảm bảo hoàn thành các tiêu chí mà còn chú trọng nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập của nhân dân.
Kim Yến